Nhu cầu quả tươi trên địa bàn Hà Nội, nghiên cứu trường hợp với sản phẩm nhãn muộn Hà Nội và bưởi Thanh Trà Huế
Tác giả: Nguyễn Thị Tân Lộc, Lê Như Thịnh, Đặng Đình Đạm
Năm: 2009
Mã: FV-KT-1210-02-NTL
Tóm tắt: Nhu cầu về quả tươi trên thị trường Hà Nội ngày càng tăng. Người tiêu dùng mong muốn lựa chọn được sản phẩm quả tươi, không dập nát và có thông tin về nguồn gốc rõ ràng. Tuy nhiên người tiêu dùng ngày càng lo lắng về độ an toàn của quả. Lo lắng nhất về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, sau đó đến chất kích thích, hoá chất bảo quản và chất tẩy mầu quả. Bài báo này giúp các độc giả hiểu thêm về các kênh tiêu thụ quả hiện nay trên thị trường Hà Nội và nhu cầu quả tươi của các siêu thị, cửa hàng/quầy hàng chuyên doanh; đồng thời cũng chỉ ra lượng quả được bán bởi người bán lẻ tại các chợ, người bán rong và đánh giá năng lực của những người bán rong. Đã tiến hành khảo sát thị trường quả Hà Nội và phỏng vấn sâu những đối tượng kinh doanh kể trên. Bên cạnh đó, có phỏng vấn người tiêu dùng và đánh giá sơ bộ nhu cầu về quả của của họ có kết hợp với việc tham khảo các tài liệu đã được công bố. Nội dung nghiên cứu tập trung vào lượng hàng bán được trong ngày và tiêu chí lựa chọn quả của từng đối tượng cũng như yêu cầu trong việc mua-bán sản phẩm của họ. Thực tế tiêu chí về độ an toàn chưa được các nhà kinh doanh quả đặt lên hàng đầu. Trường hợp đối với nghiên cứu điểm về nhãn muộn Hà Nội và bưởi Thanh Trà Huế cũng đã chỉ ra tiêu chí lựa chọn quả của người tiêu dùng không ngoài những tiêu chí lựa chọn quả nói chung đó là tươi, không dập nát và rõ ràng về nguồn gốc mà họ còn cần nhãn và bưởi Thanh Trà có độ ngọt và an toàn. Độ an toàn ở đây được phản ánh bằng giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất sản phẩm an toàn do cơ quan có thẩm quyền cấp. Toàn bộ kết quả của nghiên cứu đã được chuyển tới người sản xuất quả nói chung và đặc biệt 2 sản phẩm nhãn muộn Hà Nội và bưởi Thanh Trà Huế nói riêng có khả năng cung ứng sản phẩm và đại diện cơ quan quản lý trên địa bàn. Bài báo cũng gợi ý cho nông dân về việc lựa chọn điểm bán sản phẩm và hướng phát triển bền vững mối quan hệ giữa người sản xuất và người kinh doanh.