Hãy cảnh giác với sâu đục lá cà chua Nam Mỹ

260619 hay canh giac voi sau duc la 3

Xuất xứ của sâu đục lá cà chua nam mỹ

       Loài sâu đục lá cà chua nam mỹ, Tuta absoluta (Meyrick) (Lepidoptera: Gelechiidae), có nguồn gốc ở Pê-ru thuộc Nam Mỹ, đã trở thành một trong các sâu hại chính trên cà chua ở các nước Nam Mỹ từ những năm 1960 (Souza et al., 1983) và được xem là sâu hại cà chua cực kỳ nguy hiểm ở các nước thuộc khu vực này (Guillemaud et al., 2015).

       Loài Tuta absoluta có tên tiếng Anh là “South American tomato leafminer”. Tại Hội thảo về loài sâu này được tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh ngày 07/06/2019 và tại Hà Nội ngày 12/06/019, tên tiếng Việt của loài này được Ban tổ chức Hội thảo sử dụng là “Sâu vẽ bùa cà chua nam mỹ”. Tuy nhiên, tại Hội thảo ở Hà Nội, Giáo sư Phạm Văn Lầm đã chỉ ra rằng triệu chứng gây hại của loài Tuta absoluta không phù hợp để gọi nó là “Sâu vẽ bùa cà chua nam mỹ” mà nên gọi nó là “Sâu đục lá cà chua nam mỹ”. Căn cứ vào đặc điểm gây hại (sâu non đục lá cà chua thành vết hại có chiều ngang khá rộng, chứ không thành đường đục hẹp như loài Liriomyza trifolii) và nguồn gốc xuất xứ, vậy đề nghị gọi tên loài Tuta absoluta là “Sâu đục lá cà chua nam mỹ” để phân biệt với loài sâu vẽ bùa cà chua có tên khoa học là Liriomyza trifolii (Burgess) đã có ở Việt Nam.

260619 hay canh giac voi sau duc la 1

Sâu non và trưởng thành của sâu đục lá cà chua nam mỹ

(Nguồn: Internet, truy cập 12.06.2019)

Tác hại của sâu vẽ bùa cà chua nam mỹ

         Sâu đục lá cà chua nam mỹ hại chính trên cây cà chua, nhưng nó cũng còn gây hại trên cây khoai tây, cà tím và một số cây thuộc họ Cà (Solanaceae) (Garcia and Espul, 1982; Biondi et al., 2018). Phổ ký chủ của loài này gồm 22 loài thuộc 6 họ thực vật khác nhau (CABI, 2018). Loài T. absoluta gây hại cho tất cả các bộ phận trên mặt đất và cho tất cả các giai đoạn sinh trưởng phát triển của cây cà chua. Chúng có thể xâm nhiễm, gây hại 100% cây cà chua trên đồng và gây thiệt hại năng suất cà chua từ 50–100% nếu không được phòng trừ (Karut et al. 2011; Polat et al. 2016). Loài này có vòng đời ngắn (24 – 38 ngày tùy theo điều kiện nhiệt độ môi trường), có sức sinh sản cao (một ngài cái đẻ 300 trứng) và có thể có từ 10 – 12 thế hệ/năm (Muniappan, 2019).

260619 hay canh giac voi sau duc la 2

Triệu chứng gây hại trên lá của sâu đục lá cà chua nam mỹ

(Nguồn: © Dr Andrea Minuto, CERSAA, Albenga (IT; IRAC, 2011).

260619 hay canh giac voi sau duc la 3

Triệu chứng gây hại trên ngọn và quả của sâu đục lá cà chua nam mỹ
(Nguồn:IRAC, 2011).

Sự xâm nhiễm và lây lan của sâu đục lá cà chua nam mỹ

         Loài Tuta absoluta là sâu hại ngoại lai xâm lấn và đã trở thành mối đe dọa nghiêm trọng cho sản xuất cà chua trong nhà lưới và ngoài đồng ruộng của nhiều quốc gia trên thế giới. 
       Tại châu Âu, loài này được phát hiện có mặt đầu tiên ở châu Âu tại Tây Ban Nha vào năm 2006 và tiếp tục lây lan sang các nước khác thuộc vùng liên lục địa Phi-Âu- Á (Desneux et al. 2010, 2011; Biondi et al. 2018). Chúng lây lan nhanh chóng ở nhiều nước thuộc châu Âu và tiếp tục lây lan sang phía Đông châu Âu (Ha et al., 2018). Chúng tăng bán kính phân bố trung bình khoảng 600 km một năm (Campos et al. 2017). 
       Tại châu Phi, loài này được ghi nhận đầu tiên có mặt ở châu Phi tại Ma-rốc vào năm 2007 và tại An-giê-ri vào năm 2008 (Muniappan, 2019). Từ năm 2012 đến năm 2018, đã ghi nhận sự hiện diện và lây lan của chúng ở 20 quốc gia thuộc châu lục này (CABI, 2018).
        Loài này hiện đã xâm lấn đến các khu vực thuộc châu Âu, châu Phi và Trung Đông và nhanh chóng trở thành sâu hại chính trên cà chua ở các khu vực này. Hiện chúng đang tiếp tục mở rộng vùng phân bố sang các nước châu Á.
Sự xâm nhiễm lây lan của sâu đục lá cà chua nam mỹ ở châu Á
       Tại châu Á, loài này được phát hiện có mặt tại Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2009 (Kilic, 2010) và sau đó tiếp tục lây lan theo hướng Đông sang các nước khác thuộc châu Á. Năm 2010, chúng đã hiện diện ở I-ran và I-xra-en. Năm 2012, chúng đã lây lan đến Gioóc-đan và Xi-ri. Đến năm 2013, chúng đã xâm lấn đến một loạt nước như I-rắc, Cô-oét, Li-băng, Ca-ta, Ả rập-Xê út, Các Tiểu Vương quốc Ả-rập và Yemen. Đến nay, chúng đã có mặt ở hầu khắp các nước thuộc khu vực Trung và Tây Nam châu Á (Biondi et al., 2018).Tại khu vực Nam Á, chúng đã xâm lấn vào Nepal năm 2016, đã lây lan đến miền Tây Ấn Độ vào năm 2014 và đến miền Đông nước này vào năm 2017 (Sankarganesh et al., 2017) và đã có mặt tại Băng-la-đét vào năm 2016. Đến nay, loài này đã hiện diện ở 16 quốc gia ở châu lục này (CABI, 2018). 
Kịch bản ứng phó với sự xâm nhiễm của sâu đục lá cà chua vào Việt Nam
      Loài sâu đục lá cà chua Tuta absoluta là loài sâu hại ngoại lai xâm lấn nguy hiểm trên cây cà chua ở nhiều nước thuộc nhiều lục địa khác nhau, đã và đang lây lan đến nhiều nước không thuộc vùng phân bố trước đây của chúng và đang gây ra những tổn thất nặng nề cho các nước trồng cà chua trên thế giới. Mặc dù đã có nhiều nỗ lực của các cơ quan bảo vệ thực vật quốc gia của nhiều nước trên thế giới nhưng việc ngăn chặn sự lây lan và quản lý chúng khi đã xâm nhập vào các vùng phân bố mới vẫn hết sức khó khăn và không đạt được kết quả mong muốn. Đến nay, loài này chưa xuất hiện ở Việt Nam nhưng chúng đã xuất hiện ở các nước thuộc khu vực Nam Á gần với Việt Nam như Băng-la-đét. Với tiềm năng lây lan và và tốc độ xâm lấn cao, khả năng xâm lấn của chúng vào Việt Nam trong tương lai gần là rất cao. Vì vậy, Việt Nam cần phải tích cực chuẩn bị các giải pháp ứng phó với sự xâm lấn và quản lý loài sâu hại ngoại lai xâm lấn này khi chúng vào Việt Nam. 
      Tại Hội thảo về “Sâu đục lá cà chua nam mỹ Tuta absoluta” do Viện Bảo vệ thực vật phối hợp với các chuyên gia quốc tế đến từ Trường Đại học Virginia Tech, Hoa Kỳ, dự án IPM (do USAID tài trợ) và Viện Cây ăn quả miền Nam tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh ngày 07/06/2019 và tại Hà Nội ngày 12/06/2019, các chuyên gia Việt Nam đã cùng nhau phác thảo kịch bản ứng phó với loài sâu hại này. Kịch bản bao gồm các hành động Việt Nam cần thực hiện trước và sau khi có sự xâm lấn của loài sâu hại này. 
* Các hoạt động cần được thực hiện trước khi loài T. absoluta xuất hiện tại Việt Nam:
       + Xây dựng lực lượng ứng phó với loài Tuta absoluta từ Trung ương đến địa phương (gồm Cục Bảo vệ thực vật, Viện bảo vệ thực vật, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật của các tỉnh trồng cà chua trọng điểm);
       + Tổ chức các hoạt động truyền thông cảnh báo sớm về loài Tuta absoluta thông qua văn bản hành chính và tài liệu tuyên truyền của Cục Bảo vệ thực vật, các văn bản khoa học của Viện Bảo vệ thực vật; xây dựng các tài liệu tuyên truyền (video clip, tờ bướm, sổ tay,..) để phục vụ công tác thông tin tuyên truyền;
       + Tằng cường công tác kiểm dịch tại các cửa khẩu, đặc biệt là với các lô hàng quả cà chua tươi và cây cà chua giống nhập khẩu;
       + Tổ chức đặt bẫy pheromone ở các vùng trồng cà chua ở các tỉnh biên giới giáp Cam-phu-chia, Lào và Trung Quốc;
       + Tăng cường trao đổi thông tin liên quan với các nước láng giềng (Cam-phu-chia, Lào, Trung Quốc và Thái Lan), đặc biệt là việc cập nhật thông tin về sự hiện diện của loài Tuta absoluta ở các quốc gia này;
      + Tổ chức điều tra, thu thập làm mẫu tiêu bản và gửi giám định tại các Viện nghiên cứu trong nước và quốc tế. Việc điều tra thu thập được đặc biệt lưu ý các vùng có nguy cơ xâm nhiễm cao như các thành phố Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng (dựa trên việc xác định nguy cơ xâm nhiễm và lây lan là do nguồn quả cà chua tươi đã nhiễm sâu nhập khẩu từ các nước khác); 
       + Tổ chức các hội thảo chuyên đề, các lớp tập huấn về loài Tuta absoluta ở các vùng và các địa phương, ưu tiên các vùng trồng cà chua trọng điểm;
       + Thu thập thông tin, xây dựng đề cương nghiên cứu toàn diện về quản lý tổng hợp loài Tuta absoluta.
* Các hoạt động cần được thực hiện khi loài T. absoluta đã xuất hiện tại Việt Nam:
       + Cơ quan quản lý nhà nước (Cục Bảo vệ thực vật) thông báo rộng rãi cho các tỉnh/ khu vực/ vùng trồng cà chua tập trung về sự có mặt của loài sâu đục lá cà chua;
      + Các đơn vị quản lý chuyên ngành (các Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật các tỉnh) tổ chức thực hiện việc kiểm tra sự có mặt, đánh giá mức độ tác hại, thành phần phổ ký chủ của loài này ở các vùng đã bị chúng xâm lấn;
       + Khoanh vùng, công bố dịch và tiêu hủy sản phẩm bị xâm nhiễm theo luật;
       + Tổ chức các lớp tập huấn về nhận dạng và phòng chống loài Tuta absoluta cho cán bộ kỹ thuật và nông dân;
       + Tăng cường việc quản lý kiểm tra chặt chẽ nông sản hoa quả tươi nhập khẩu tại ác cửa khẩu và các trạm kiểm dịch nội địa để ngăn chặn sự lây lan của loài Tuta absoluta;
       + Cơ quan nghiên cứu tiến hành nghiên cứu đánh giá về mức độ gây hại, con đường lây lan, khả năng thiết lập quần thể, các đặc điểm sinh học, sinh thái, các loài kẻ thù tự nhiên của chúng và xây dựng biện pháp phòng chống hiệu quả với loài sâu hại này. Trong đó, ưu tiên sử dụng biện pháp canh tác và phát triển sử dụng thiên địch nội địa, các loại chế phẩm sinh học, pheromone, xây dựng bộ thuốc bvtv phù hợp. Về lâu dài, cần nghiên cứu phát triển giống kháng sâu đục lá cà chua nam mỹ, phát triển các chế phẩm sinh học và các biện pháp phi hóa học trong quản lý loài sâu hại mới này.

Nguồn: ppri.org.vn

Thư viện Video-clip

Trang thông tin điện tử của Viện nghiên cứu Rau quả
Địa chỉ : Thị trấn Trâu Quỳ - Gia Lâm - Hà Nội
Điện thoại : 84-024.38276254 - Fax : 84-024.38276148
Email : info@favri.org.vn Website : http://favri.org.vn

Top