Cơ chế và biện pháp phá ngủ củ giống hoa lay ơn
Ngủ nghỉ của củ là một trong những cản trở lớn của việc sản xuất củ giống lay ơn thương mại. Củ giống khi mới thu hoạch đang ở trong trạng thái ngủ nghỉ sâu (Ginzburg, 1973). Củ con ngủ nghỉ sâu hơn củ thương phẩm và củ có kích thước càng nhỏ thì sự ngủ nghỉ càng mạnh (Apte, 1962). Thời gian ngủ nghỉ phụ thuộc vào cả điều kiện môi trường bên ngoài và các yếu tố bên trong củ. Để xác định phương pháp xử lý phá ngủ củ hiệu quả nhất, củ giống thu được có chất lượng đảm bảo thì những kiến thức về cơ chế và sự phá vỡ ngủ nghỉ cần được tìm hiểu.
1. Cơ chế của sự ngủ nghỉ củ giống lay ơn
Sự ngủ nghỉ của củ được chia thành 2 nhóm: ngủ nghỉ bắt buộc và ngủ nghỉ sâu. Trong đó hoa lay ơn thuộc dạng ngủ nghỉ sâu, tức là “ngủ nghỉ sinh lý thực sự”(Kamerbeek et al,1972). Nghiên cứu sắc ký được tiến hành trong các chất chiết xuất từ củ lay ơn đã chỉ ra những thay đổi trong các chất tăng trưởng nội sinh cho thấy củ giống đang ngủ nghỉ có chứa một số lượng đáng kể các chất ức chế đồng thời không có auxin, trong khi đó các củ giống đã bị phá ngủ cho thấy một lượng giảm các chất ức chế cùng với sự xuất hiện của auxin.
Ba khu vực ức chế đã được ghi nhận trong sắc ký đồ. Chất ức chế I là một dạng axit béo hợp chất chủ yếu là axit linolenic. Chất ức chế III là một dạng phenolic hợp chất chủ yếu là axit ferulic. Chất ức chế II được xác định là ABA. Những chất này cùng tác động gây ngủ nghỉ củ giống hoa lay ơn (Tsukamoto, 1974). Như vậy cơ sở sinh lý của sự ngủ nghỉ củ được giải thích là sự tích lũy các chất ức chế, đặc biệt là axit abscisic (ABA) (Tsukamoto, 1975). Mức độ ngủ nghỉ củ con lay ơn cao hơn củ mẹ ở cùng một cây (Apte, 1962). Điều này được giải thích là do hàm lương ABA tích lũy nhiều ở lớp vỏ củ, trong khi đó tỷ lệ giữa lớp áo và trọng lượng củ bên trong của củ nhỏ tương đối lớn. Thời gian ngủ thay đổi theo các giống khác nhau và trong cùng một giống thì thay đổi khi trồng trong các điều kiện khác nhau (Paswan, 1985).
Sự điều hòa giữa các chất kích thích sinh trưởng và chất ức chế sinh trưởng có một vai trò quan trọng trong việc kiểm soát ngủ nghỉ của củ giống lay ơn. Các chất ức chế này sẽ giảm dần khi cây sinh trưởng nhưng nó tăng lên và đến thời điểm thu hoạch sẽ đạt đến tối đa. Nó giảm dần sau khi lưu trữ và sau đó hoạt động của GA và auxin lại được tiếp tục (Tsukamoto, 1960).
2. Biện pháp phá vỡ ngủ nghỉ
- Phương pháp 1: Bảo quản lạnh củ giống ở 4-7°C trong 2-3 tháng là biện pháp phá ngủ củ giống lay ơn áp dụng rộng rãi nhất.
- Phương pháp 2: Sử dụng 3-5 ml/l ethylene chlorohydrin 40% trong 3-5 ngày. Phương pháp này thường được áp dụng với các giống hoa lay ơn mùa hè (Deny, 1938).
- Phương pháp 3: Nhúng củ giống lay ơn trong ethrel 1000ppm trong 30 phút, cải thiện tỷ lệ nảy mầm của củ giống lay ơn khi trồng ở nhiệt độ cao. Mukhamed (1985) quan sát thấy rằng xử lý củ giống bằng ethrel rút ngắn thời gian ngủ nghỉ và tăng khả năng ra hoa trong điều kiện ánh sáng nhân tạo.
- Phương pháp 4: Nhúng củ giống trong dung dịch thiourea 500 ppm trong 24 giờ.
- Phương pháp 5: Nhúng củ giống trong dung dịch GA3 50 ppm hoặc dung dịch BA 25-50 ppm trong 30 phút.
3. Quy trình xử lý củ giống lay ơn tại Viện Nghiên cứu Rau quả
Nắm rõ được các cơ chế và phương pháp phá ngủ củ giống hoa lay ơn, trong những năm qua Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Hoa, Cây cảnh (Viện NC Rau quả) đã nghiên cứu xây dựng và đưa ra quy trình xử lý củ giống hoa lay ơn đạt kết quả cao, được áp dụng rộng rãi trong sản xuất. Cụ thể như sau:
- Thời điểm thu hoạch củ giống: Khoảng 6-8 tuần sau khi hoa nở, thân và lá bắt đầu chuyển màu vàng.
- Sơ chế củ giống: Loại bỏ đất, rễ củ, hong khô ở nơi thoáng mát 30 ngày. Phân loại củ theo đường kính củ <1,5 cm; 1,5-3 cm, 3-4 cm. Cho củ vào túi lưới xếp thành từng lớp trong khay nhựa.
- Chế độ xử lý phá ngủ: Xử lý lạnh ở nhiệt độ 4-5oC trong thời gian 90 ngày.
- Trồng củ sau khi đưa ra ngoài kho lạnh 15 ngày.
- Kết quả xử lý đã được áp dụng cho nhiều giống lay ơn (Advance, Chinon, đỏ tai vuông, song sắc, các giống lai mới...) cho tỷ lệ củ thối hỏng thấp nhất (3,2%), tỷ lệ nảy mầm > 90%, cây sinh trưởng phát triển đồng đều.
Hình 1: Sơ chế và xử lý phá ngủ củ giống lay ơn trong kho lạnh
Hình 2: Củ giống lay ơn sau xử lý phá ngủ 90 ngày và được trồng ngoài ruộng sản xuất
Nguyễn Thị Hồng Nhung
Nguồn: Viện Nghiên cứu Rau quả
Tin mới
- Xoài hữu cơ được sản xuất như thế nào? - 08/01/2019 03:41
- Kỹ thuật mới xác định các tế bào li-be hỗ trợ trong cuộc chiến chống lại bệnh vàng lá gân xanh - 07/01/2019 14:46
- Gen điều hòa phản ứng chống chịu với nhiệt độ nóng của cây ớt (Capsicum annuum) - 05/12/2018 04:40
- Áp dụng chỉnh sửa gen trong cây cải làn (Chinese Kale) - 04/12/2018 02:03
- Phương pháp xác định tế bào trần để cải tiến di truyền cây dứa - 12/11/2018 07:04
Các tin khác
- Hoa hồng màu xanh dương - 22/10/2018 07:06
- Tạo ra giống cà chua mới bằng cách chọn lọc chuỗi gien của một loài cây dại - 15/10/2018 03:33
- Dinh dưỡng hiệu quả để phát huy tối đa năng suất của kỹ thuật trồng thanh long theo hàng - 03/10/2018 02:06
- Bệnh vàng lá thối rễ trên cây có múi - 03/10/2018 01:55
- Cà chua chín đỏ có giữ được tươi trong 7-10 ngày? - 24/08/2018 08:17