Trồng thanh long trên đất đồi cằn cỗi, lãi hàng trăm triệu mỗi năm

Sau nhiều năm trồng cây nguyên liệu, trồng chè không đem lại lợi nhuận kinh tế là bao, ông Trần Ngọc Sơn (khu Đồng Cỏ, xã Thục Luyện, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ) quyết định trồng 200 cây hồng ngâm, làm 3.000 cột trồng cây thanh long, đem về doanh thu cả tỷ đồng mỗi năm.

91019 trong thanh long 1

Hơn 3.000 cột trồng thanh long được ông Sơn trồng trên đất đồi cằn cỗi. Ảnh Tuấn Trung

Đến xã Thục Luyện, huyện Thanh Sơn, hỏi về ông Trần Ngọc Sơn, chẳng mấy ai là không biết. Bởi lẽ, ông được xem như lá cờ đầu trong làm ăn, phát triển kinh tế gia đình, cũng như giúp đỡ cho hàng chục hộ gia đình khác khá giả lên nhờ trồng cây thanh long ruột đỏ.

PV Dân Việt có dịp đến thăm vùng đồi trồng thanh long của ông Sơn khi ông vẫn đang cặm cụi bên những cột thanh long, vừa tỉa cành, vừa thu hoạch những quả thanh long đỏ mọng. Ông Trần Ngọc Sơn, giọng vui vẻ, tếu táo nhưng đầy chất nghệ sỹ, trải đời: “Không đơn giản chỉ là làm trụ, để mặc cho cây thanh long bám vào thế nào thì bám. Tôi còn tạo dáng, tạo hình cho cột thanh long phải thật đẹp, như một tác phẩm nghệ thuật vậy”.

91019 trong thanh long 2

Việc tạo thế, tạo hình cho cây, được ông Sơn quan tâm và mong muốn nhìn trụ thanh long phải gọn gàng, như một tác phẩm nghệ thuật. Ảnh Tuấn Trung

Kể cho chúng tôi nghe về cái duyên đến với cây thanh long, giọng ông Trần Ngọc Sơn luôn chứa đựng niềm vui, hừng hực khí thế, đam mê về loại cây này như một chuyên gia thực thụ.

Theo ông Sơn, khoảng cuối những năm 1980, đầu những năm 1990, ông được nhà nước cho thuê hơn 30ha đất đồi, cằn cỗi ở khu Đồng Cỏ, xã Thục Luyện.

“Khi được nhà nước cho thuê, cũng như bao người dân khác ở đây, tôi chỉ biết trồng keo, trồng chè. Nói thật, trồng keo và cây nguyên liệu, mất nhiều thời gian mới được thu hoạch, rồi tiền thuê đất, tiền nhân công cắt tỉa cành, tiền cây giống, phân bón, cuối cùng kinh tế đem lại chẳng đáng là bao. Còn đối với trồng chè, vừa mất nhiều phân bón, lại phải sử dụng một lượng lớn thuốc bảo vệ thực vật, cũng như tốn công chăm sóc và thu hoạch, dù có kinh tế nhưng cũng rất vất vả”, ông Sơn cho biết.

Cũng theo ông Sơn, năm 2007, khi thấy trên tivi nói về lợi nhuận của cây thanh long ruột đỏ, ông cũng quyết định đi mua giống về trồng 200 trụ.

“Ngày đấy có biết gì đâu, cứ nghĩ là cứ giống thanh long ruột đỏ là được. Vì vậy, tôi đã làm 200 cột rồi mua giống thanh long ruột đỏ Đài Loan về trồng. Không ngờ, cây phát triển chậm, quả bé và rụng nhiều nên ngay năm đầu tiên đã lỗ hơn 100 triệu đồng”, ông Sơn nhớ lại.

91019 trong thanh long 3

Sau khi tìm hiểu và được cán bộ Viện nghiên cứu rau quả Việt Nam tư vấn, ông Sơn đã chọn giống Long Định 1 để trồng trên vùng đất đồi của mình. Ảnh Tuấn Trung

Thất bại, nhưng ông Sơn không nản chí, sau khi tìm hiểu thông tin, ông đã quyết định tìm đến Viện nghiên cứu rau quả Việt Nam để xin được tư vấn, chỉ cách trồng, chăm sóc, chọn giống thanh long thích hợp với khí hậu, thổ nhưỡng ở địa phương.

“Các cán bộ của Viện nghiên cứu rau quả Việt Nam không chỉ hướng dẫn cho cách chăm sóc cây thanh long. Sau khi nghiên cứu chất đất, địa hình, khí hậu, các cán bộ của Viện còn tư vấn cho tôi trồng loại giống Long Định 1. Biết kỹ thuật chăm sóc, cộng với giống tốt, hợp với loại đất nên cây thanh long phát triển tốt, ra nhiều quả, có chất lượng, đem lại hiệu quả kinh tế cao nên tôi nhanh chóng mở rộng mô hình, trồng hẳn 3ha với 3.000 cột”, ông Sơn vui vẻ tâm sự.

Sau nhiều năm trồng thanh long ruột đỏ Long Định 1, ông Sơn rút ra kinh nghiệm quý báu như biết tận dụng cỏ ủ với phân chuồng, kết hợp với chế phẩm hữu cơ để bón cho cây.

“Sử dụng phân bón hữu cơ, đất vừa tơi xốp, giúp cây phát triển tốt và hạn chế được sâu bệnh. Khi thấy sâu bệnh, tôi không dùng thuốc bảo vệ thực vật để phun mà dùng chế phẩm hỗn hợp từ ớt, tỏi... để diệt. Nhờ đó cho ra những quả thanh long sạch, không gây hại cho sức khỏe người dùng. Đặc biệt, do quả thanh long phải có ánh sáng mới đem lại chất lượng tốt, nên đối với những thân nằm sâu bên trong tôi thường cắt bỏ, những thân cây mập, dài tôi mới để cho 2 - 3 quả, còn lại tôi chỉ để 1 quả thôi”, ông Sơn cho biết.

Việc sử dụng phân hữu cơ, chữa bệnh bằng chế phẩm từ tỏi, ớt... đã giúp cho cây thanh long phát triển tốt, hạn chế sâu bệnh và cho ra những quả thanh long chất lượng tốt, sạch. Ảnh Tuấn Trung

Với hơn 3.000 cột, mỗi năm ông thu hoạch được trên 30 tấn quả với giá thành luôn giao động từ 20.000 - 30.000 đồng/kg, trung bình mỗi năm ông cũng thu về hơn 600 triệu đồng.

Không chỉ làm giàu cho bản thân và gia đình, ông còn tạo công ăn việc làm cho 3 lao động thường xuyên, với mức lương trên 5 triệu đồng khi đã trừ hết tiền ăn, sinh hoạt. Đặc biệt, ông còn cung cấp giống, hỗ trợ kỹ thuật trồng cây thanh long cho hơn 20 hộ gia đình ở khu Đồng Cỏ, giúp họ có thu nhập cao hơn nhiều so với trồng những loại cây khác.

Ông Sơn cũng cho biết thêm, đến tháng 11/2019, ông sẽ trồng thêm 1.000 cột thanh long.

Với khoảng 3.000 trụ thanh long, mỗi năm ông Sơn cũng thu về cho gia đình hơn 600 triệu đồng.

Ngoài thanh long, ông Sơn còn trồng thêm 200 cây hồng ngâm. Với giá bình quân khoảng 22.000 đồng/kg và sản lượng khoảng 5 tấn quả/năm, ông cũng thu thêm được hơn trăm triệu đồng. Đó còn là chưa kể, hơn 20ha còn lại, ông trồng cây nguyên liệu, cây ăn quả khác và đào ao thả cá, mỗi năm cũng thu về thêm được vài trăm triệu đồng nữa. Theo cách tính của ông Sơn, doanh thu hằng năm của gia đình cũng được cả tỷ đồng. Tuy nhiên, dù diện tích ít, nhưng cây thanh long vẫn là cây chủ lực đem lại nguồn thu lớn cho gia đình.

Nguồn: 24h.com.vn

Thư viện Video-clip

Trang thông tin điện tử của Viện nghiên cứu Rau quả
Địa chỉ : Thị trấn Trâu Quỳ - Gia Lâm - Hà Nội
Điện thoại : 84-024.38276254 - Fax : 84-024.38276148
Email : info@favri.org.vn Website : http://favri.org.vn

Top