Chuyên gia hướng dẫn cách làm sạch độc chất trong rau đúng nhất

GD&TĐ - Vấn đề an toàn thực phẩm đang là quan tâm hàng đầu của các bà nội trợ. Nhiều người đã truyền tai nhau các cách làm dung dịch khử độc rau quả. 

30420 giao duc thoi dai

Ảnh minh họa.

Theo các chuyên gia, đúng là có những cách làm sạch rau quả một cách cơ bản, tuy nhiên nếu rau đã nhiễm độc từ bên trong thì việc làm sạch gần như là không thể. 

Nguyên nhân rau quả mất chất

TS Hoàng Thị Lệ Hằng, Viện Rau quả cho biết, có nhiều nguyên nhân gây tổn thất sau thu hoạch rau quả, đó là thu hái không đúng độ già mà theo thói quen, vận chuyển kiểu cơ giới, thu hái thủ công, không đúng kỹ thuật, tổn thất và mất an toàn do quá trình vận chuyển gặp khó khăn và không đúng cách, không đúng kỹ thuật… dẫn đến tổn thương cơ học lớn.

Hơn nữa do sâu bệnh, chưa có nhà sơ chế rau quả sau thu hái, bảo quản không đúng kỹ thuật khiến rau quả tổn thương lạnh, bảo quản và giấm chín bằng hóa chất. Chưa có doanh nghiệp bảo quản chế biến hiện đại, đa số là quy mô nhỏ, công nghệ giản đơn để phục vụ tiêu dùng nội địa và địa phương.

TS Lâm Quốc Hùng, Cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm, Bộ Y tế cho biết, tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật, vi sinh vật trên nông sản là nguyên liệu chế biến thực phẩm còn chiếm tỷ lệ cao. Hàng năm, chúng ta có chương trình giám sát chủ động, tiến hành lấy hàng chục nghìn mẫu thực phẩm tại các vùng miền khác nhau, kết quả cho thấy tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép trên rau, củ, quả vẫn chiếm khoảng 3 - 5.

Riêng 10 tháng của năm 2015, tỷ lệ rau tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật vượt ngưỡng lên đến trên 10%, bên cạnh đó còn xuất hiện chất cấm trong chăn nuôi.

Các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm của chúng ta chủ yếu là nhỏ lẻ, sản xuất theo mùa vụ, làm ăn manh mún, không kiểm soát được chất lượng, không truy xuất được nguồn gốc là những nguyên nhân chính làm rau quả kém chất lượng len lỏi vào bàn ăn của người dân.

Làm sạch bằng giấm, nước cốt chanh…

Nhiều bà nội trợ truyền tai nhau kinh nghiệm làm sạch rau quả tại nhà bằng những nguyên liệu dễ tìm. Theo đó thì giấm là một trong những thành phần hiệu quả nhất để loại bỏ vi trùng và thuốc trừ sâu từ trái cây và rau củ vì nó có đặc tính kháng khuẩn mạnh mẽ.

Bạn chỉ cần pha loãng 10% giấm trắng với 90% nước, ngâm trái cây và rau quả của bạn trong đó. Ngâm trong khoảng 10 phút, trong thời gian đó bạn hãy khuấy rau củ và trái cây thật đều trong hỗn hợp. Hoặc ngâm rau, củ, quả với nước được vắt thêm nước cốt chanh.

Sở dĩ có thể dùng nước cốt chanh để loại bỏ thuốc trừ sâu là vì trong chanh có tính axit. Bạn hãy ngâm trong dung dịch nước và chanh ở mức độ vừa phải trong thời gian 10 phút là được. Nước vo gạo cũng rất tốt trong việc khử chất trừ sâu trong rau, củ, quả.

PGS.TS Trịnh Lê Hùng - khoa Hóa, Trường ĐHKHTN, ĐHQG Hà Nội cho biết, ngâm rau củ quả trong giấm, chanh hay nước vo gạo ít nhiều cũng có tác dụng làm sạch, loãng độc tố hoặc làm thay đổi thành phần của độc tố nếu có.

Dung dịch này có tác dụng hòa tan, kết tủa những chất còn bám dính trên rau củ. Ví dụ như nếu trên lá rau còn tồn dư chất bazo thì khi ngâm vào nước chanh, giấm hoặc nước vo gạo cũng có axit sẽ làm loãng, hòa tan cùng với nước, từ đó làm sạch thực phẩm. Tuy nhiên phải khẳng định rằng tác dụng của những “mẹo” này là rất ít, nếu không muốn nói là cực kỳ nhỏ.

Bởi đối với rau quả đã bị nhiễm thuốc trừ sâu nồng độ quá cao thì việc ngâm, rửa như vậy không có ý nghĩa gì. Nếu thời gian cách ly của thuốc không đảm bảo, ví dụ phun hôm trước, hôm sau đem ra chợ bán, thì không có cách gì loại bỏ được độc chất.

“Thế nên, các mẹo này cũng chỉ giống như ngâm với nước muối để khử trùng cho rau quả, tạo ra cảm quan tốt hơn, yên tâm hơn khi sử dụng chứ không có nhiều tác dụng, đặc biệt với thành phần độc tố đã ngấm sâu vào thực phẩm”, PGS.TS Trịnh Lê Hùng cho biết.

Bó tay với rau quả đã ngấm độc

PGS.TS Trịnh Lê Hùng cho biết, chất độc ngấm sâu vào rau quả thường là muối của các loại kim loại. Phun với nồng độ cao thì chúng có thể đi vào trong rau quả, không thể rửa hết được và gần như là rất khó xử lý.

Thuốc trừ sâu được hòa tan trong dung môi, khi phun người ta pha ra nước với nồng độ khá loãng. Trong quá trình bám trên lá rau củ, dưới tác động của không khí, ánh nắng, gió mà hàm lượng này tự tan đi hết. Nhưng đối với rau củ quả không đảm bảo thời gian cách ly thì gần như là “bó tay”.

PGS.TS Trịnh Lê Hùng chia sẻ, chính bản thân ông cũng không có cách nào khác là phải lựa chọn kỹ hơn các loại rau củ quả đảm bảo chất lượng. Bởi công nghệ để xử lý là có nhưng rất đắt tiền, phải thực hiện trong các phòng thí nghiệm với máy móc hiện đại thì mới có thể xử lý được.

Theo các chuyên gia, để sơ chế sạch rau củ, nên ngâm kỹ, rửa sạch từng lá, nhất là các kẽ lá cho thật sạch, gọt vỏ các loại quả ăn tươi.

Riêng đối với các loại rau ăn lá nhỏ như xà lách, cải xoong, rau dền, bông cải thì nên pha vào nước rửa 1 – 2 muỗng cà phê muối để sâu bọ và côn trùng bò ra khỏi kẽ lá.

Đối với các loại rau củ, trái cây, để nguyên củ, rửa sạch trước khi gọt vỏ. Rau quả phải ngâm ngập trong nước sạch 15 – 20 phút, rửa nhiều lần (ít nhất 3 – 4 lần) trong chậu nước đầy để loại trừ phần lớn các thuốc bảo vệ thực vật tồn dư, tức là loại trừ phần lớn nguy cơ ô nhiễm qua con đường rửa trôi.

Nguồn: giaoducthoidai.vn

Thư viện Video-clip

Trang thông tin điện tử của Viện nghiên cứu Rau quả
Địa chỉ : Thị trấn Trâu Quỳ - Gia Lâm - Hà Nội
Điện thoại : 84-024.38276254 - Fax : 84-024.38276148
Email : info@favri.org.vn Website : http://favri.org.vn

Top