Công nghệ sản xuất rau không dùng đất trong nhà lưới tại Mộc Châu

Dự án “Nông nghiệp Thông minh cho thế hệ tương lai” - Mã Dự án: GCP/GLO/071/ROK được phối hợp thực hiện bởi Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hợp Quốc (FAO) tại Việt Nam và Viện Nghiên cứu Rau Quả ( thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn) tại huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La từ năm 2021. Sau gần 4 năm triển khai, 34 hộ nông dân đã được đầu tư cải tạo và nâng cấp các nhà lưới của mình và đã nắm bắt được các kiến thức và kỹ năng sản xuất các loại cây rau có giá trị kinh tế cao trong nhà lưới.

Tuy nhiên, các nhà vườn trồng rau tại Mộc Châu nói chung và các hộ dân trồng rau trong nhà lưới của dự án nói riêng đang phải đối mặt với vấn đề rất lớn, đó là nguy cơ cây rau bị nhiễm bệnh trong đất. Nguyên nhân gây bệnh bao gồm do nấm (héo vàng lá do nấm Fusarium oxysporum, Verticillium dahlia,..), vi khuẩn (héo xanh do vi khuẩn Ralstonia), tuyến trùng (sưng rễ do Nematode), virut,… Các đối tượng gây bệnh này rất khó phòng trừ do chưa có thuốc đặc hiệu, kể cả thuốc hóa học (nhất là vi khuẩn và tuyến trùng, vi rút). Thiệt hại đối với một số vườn có thể lên đến trên 50%, thậm chí lên đến 100%.

Nhằm khắc phục vấn đề nguồn bệnh trong đất, chúng ta cần kiểm soát tốt hơn các khâu trong sản xuất, từ vườn ươm cây giống (giá thể sạch), quản lý nhà lưới thật tốt (hệ thống lưới chắn côn trùng, cửa ra vào, bón phân, tưới nước, cắt tỉa,… ) để ngăn chặn nguồn bệnh xâm nhập vào đất canh tác của mình.

Một số hộ trong dự án đã thất bại hai vụ liên tục (năm 2023, 2024) khi bị tuyến trùng hoặc vi khuẩn gây hại (trên cây cà chua, cây ớt chuông, dưa), hiện tại số hộ này đã phải chuyển đổi sang loại cây trồng khác (như cải bắp, cải kale, súp lơ baby,..), tuy nhiên những cây này có giá trị kinh tế thấp hơn và vẫn có nguy bị các loại bệnh trên.

Nhằm trang bị kiến thức và kỹ năng cần thiết cho các hộ dân về sản xuất cây rau bằng công nghê không đất, từ tháng 6/2024 dự án đã triển khai thử nghiệm 1 mô hình trồng dưa lưới (giống Fujisawa RZ F1);1 mô hình trồng cà chua Beef (giống Alamina RZ F1) bằng giá thể xơ dừa và 1 mô hình trồng rau xà lách (gồm 02 giống Ometie RZ F1và Lalique RZ F1) bằng thủy canh (tổng cộng 1,600m2 nhà lưới tại Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Sơn La – Sở KHCN tỉnh Sơn La) tại huyện Mộc Châu. Trên cơ sở này, người nông dân sẽ từng bước nâng cấp quy trình công nghệ sản xuất rau công nghệ cao với những loại cây rau có giá trị kinh tế hơn.

Đặc biệt của công nghệ tưới áp dụng vào các mô hình này là Dự án đưa vào thử nghiệm đèn chiếu tia cực tím (UV- Ultra Violet) để xử lý toàn bộ lượng nước và dinh dưỡng thu hồi về để tái sử dụng. Tia cực tím sẽ tác động trực tiếp vào cấu trúc DNA của các vi khuẩn, nấm, virus gây bệnh và phá hủy cấu trúc của chúng để từ đó tiêu diệt hầu như toàn bô vi sinh vật gây hại trong nguồn nước để loại bỏ nguồn bệnh trong dung dịch tưới, nhằm tiết kiệm nguồn nước tưới, dinh dưỡng và hạn chế xả thải trực tiếp ra môi trường. Dự án vẫn đang trong quá trình thử nghiệm và hoàn thiện quy trình công nghệ trước khi khuyến cáo áp dụng cho sản xuất.

Sau gần 3 tháng triển khai, kết quả của dự án mang lại rất khả quan. Hạch toán hiệu quả kinh tế ban đầu cho thấy, các loại rau ăn quả (cà chua, dưa lưới) trồng trong nhà lưới hiện mang lại hiệu quả kinh tế rất cao cho ngưởi nông dân tại Mộc Châu (trung bình 1.000m2 nhà lưới cho doanh thu 100 - 120 triệu/vụ với cây cà chua trong 4,0 – 6,0 tháng trồng, 120-150 triệu/vụ với cây dưa lưới trong 2,5-3,0 tháng trồng).

Ngày 30/8/2024, Viện Nghiên cứu Rau quả và FAO Việt Nam đã tổ chức lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất rau quả bằng công nghệ không trồng đất (giá thể xơ dừa, thủy canh) cho 50 học viên, bao gồm 45 hộ nông dân sản xuất rau trong nhà lưới của dự án và các cán bộ của Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Sơn La. Nội dung tập huấn gồm các chủ đề như sau:

Chủ đề tập huấn kỹ thuật

Thăm quan thực tế mô hình xuất rau bằng công nghệ không đất (bằng giá thể xơ dửa đối với mô hình trồng dưa lưới và cà chua Beef bằng thủy canh đối với mô hình trồng rau xà lách).

Hiện trạng nguy hiểm của các đối tượng bệnh gây hại đối với sản xuất rau trong nhà lưới (héo vàng do nấm, héo xanh vi khuẩn, tuyến trùng hại rễ) tại Mộc Châu hiện nay.

Phân tích nguyên nhân, nguồn gây/lây bệnh và đề ra các giải pháp phòng trừ các đối tượng nguy hiểm trên.

Hướng dẫn quy trình sản xuất rau bằng công nghệ không đất(giá thể, thủy canh).

Hướng dẫn quy trình dinh dưỡng và hệ thống tưới tự động đối với cây dưa lưới, cây cà chua Beef và rau xà lách (hệ thống NFT).

Quy trình sử dụng đèn chiếu tia cực tím UV để xử lý dung dịch hồi lưu. Các thách thức và giải pháp khắc phục.                                                                                                                                                                                                 

Một số hình ảnh của buổi tập huấn

090524 san xuat rau cnc 1

Hệ thống tưới tự động có lắp đặt đèn chiếu tia tử ngoại UV (ống kẽm trắng)

090524 san xuat rau cnc 2

Hệ thống tưới tự động có lắp đặt đèn chiếu tia tử ngoại UV (ống kẽm trắng)

090524 san xuat rau cnc 3

Dưa lưới trồng trên giá thể xơ dừa

090524 san xuat rau cnc 4

Cà chua Beef trồng trên giá thể xơ dừa

090524 san xuat rau cnc 5

Xà lách trồng bằng công nghệ NFT

090524 san xuat rau cnc 6

Giới thiệu công nghệ cho bà con nông dân Mộc Châu

090524 san xuat rau cnc 7

Tập huấn công nghệ sản xuất rau không dùng đất cho bà con nông dân Mộc Châu

090524 san xuat rau cnc 8

Tập huấn công nghệ sản xuất rau không dùng đất cho bà con nông dân Mộc Châu

                                                                                                                                                                                                                                   Nguyễn Thái Thịnh, Vũ Ngọc Huy                                                                                                                             

Nguồn: Viện Nghiên cứu Rau quả

Trang thông tin điện tử của Viện nghiên cứu Rau quả
Địa chỉ : Thị trấn Trâu Quỳ - Gia Lâm - Hà Nội
Điện thoại : 84-024.38276254 - Fax : 84-024.38276148
Email : info@favri.org.vn Website : http://favri.org.vn

Top