Tập huấn sử dụng thương mại điện tử cho các nông hộ nhỏ trồng cây ăn trái tại các huyện Chương Mỹ và Quốc Oai, Hà Nội

112922 tap huan thuong mai dien tu 1

Ngày 24/11/2022, trong khuôn khổ Hợp phần 4 – Chương trình Nông nghiệp vì An ninh Lương thực 2030 (AgriFoSe2030) do Tổ chức Hợp tác Phát triển Quốc tế Thụy Điển (SIDA) tài trợ, Trung tâm Nghiên cứu Nông lâm Quốc tế (ICRAF) phối hợp cùng Viện Chiến lược và Chính sách phát triển nông nghiệp (IPSARD), Viện Nghiên cứu Rau quả (FAVRI) tổ chức buổi tập huấn về Ứng dụng của sàn thương mại điện tử Post Mart đối với sản phầm trái cây cho các nông hộ nhỏ trồng cây ăn trái tại hai huyện Chương Mỹ và Quốc Oai (ngoại thành Hà Nội).

Thông qua buổi tập huấn, các nông hộ nhỏ được kỳ vọng sẽ tham gia tốt hơn vào thương mại điện tử nhằm đa dạng hóa các kênh thị trường của họ cũng như hỗ trợ họ đảm bảo thu nhập.

112922 tap huan thuong mai dien tu 2

Tại buổi tập huấn, đại diện các nông hộ nhỏ đã được sàn thương mại điện tử Post Mart hướng dẫn cách cài đặt, đăng ký, sử dụng ứng dụng Post Mart trên điện thoại thông minh. Các nông hộ cũng được nhận thông tin về dịch vụ vận chuyển với giá cả phải chăng do Post Mart cung cấp.

Ông Nguyễn Đăng Hùng, Phụ trách Phòng khách hàng lớn của sàn Thương mại điện tử Postmart.vn, cho biết Postmart hướng đến những nông hộ trồng cây ăn quả nhỏ lẻ trước tiên bởi vì bản thân những nông hộ nhỏ sẽ là những người thiếu thông tin kiến thức về kinh doanh, việc tiêu thụ sản phẩm phải thông qua thương lái hoặc bán lẻ ở chợ do đó mức giá mà họ nhận được sẽ là mức giá thấp nhất trong khung giá thị trường. Ông Hùng cũng cho biết thêm về chiến lược của Postmart đối với nhóm khách hàng này là tiếp cận trên diện rộng tại 63 tỉnh thành của Việt Nam, truyền thông đẩy mạnh nhận diện thương hiệu về sàn Postmart, những lợi ích mà bà con nông dân sẽ nhận được khi tham gia vào sàn thương mại điện tử này, sau đó sàn sẽ cử các đoàn công tác đến từng tỉnh một kết hợp cùng các sự kiện trong tỉnh ví dụ như các hội chợ trái cây, hội chợ triển lãm nông sản, những hội chợ của đoàn thanh niên, hội nông dân, hội phụ nữ v…v…

Postmart sẽ kết hợp các chương trình truyền thông về sàn và giảng dạy nghiệp vụ cho bà con. Sau khi Postmart đã rút về thì đồng thời sẽ lập những nhóm trò chuyện trên nền tảng mạng xã hội Zalo để tiếp nhận ý kiến, giải đáp thắc mắc và hướng dẫn thêm. Bên cạnh đó Postmart cũng có đội ngũ tại 63 tỉnh thành, các Bưu điện tỉnh, huyện và Văn hóa xã (tính đến năm 2021, Postmart đã tạo thêm 789 điểm văn hóa xã của bưu điên tương đương với 3km có 1 điểm phục vụ).

Ông Trần Hữu Khoa, Chủ tịch hội đồng quản trị kiêm chủ nhiệm hợp tác xã Đại Thành, chia sẻ rằng ưu điểm của việc tham gia sàn thương mại điện tử đó là thị trường trao đổi sẽ được rộng mở hơn, số lượng người tham gia sử dụng các hệ thống điện tử rất đa dạng nên việc áp dụng thương mại điện tử cho các sản phẩm bán hàng sẽ tạo điều kiện thuận lợi trong việc mua bán trao đổi hàng hóa. Tuy nhiên ông cũng cho rằng thương mại điện tử có một số nhược điểm, cụ thể là thời gian giao dịch từ điểm xuất phát đến tay người tiêu dùng nếu kéo dài thì sẽ ảnh hưởng đến chất lượng nông sản, dẫn đến việc nông sản không còn tươi khi đến tay người mua. Bên cạnh đó ông cũng cho biết nhiều người dân khá băn khoăn về tính bảo mật của các sàn thương mại điện tử cũng như trường hợp hàng bị trả về thì sàn sẽ giải quyết ra sao. Hợp tác xã Đại Thành hiện có khoảng 30-40% thành viên tham gia giao dịch trên các sàn thương mại điện tử và các nền tảng mạng xã hội trên tổng số 867 thành viên.

CHị Ngô thị Hồng Nhung, thành viên HTX Đại Thành, tự tin cho biết rằng trong thời đại ngày nay phụ nữ có vai trò rất quan trọng chứ không chỉ riêng đàn ông. Về vai trò của phụ nữ trong vận động các nông hộ tham gia thương mại điện tử, chị cho biết phụ nữ có cách thuyết phục riêng của mình để cho người nông dân hay là mọi người tin tưởng và nghe theo, cũng như người phụ nữ có cái cách truyền đạt nhiều khi còn tốt hơn phái mạnh. Và tham gia khóa tập huấn này thì chị mong muốn rằng sau đó sẽ bán được nhiều hàng hơn và có thu nhập cao hơn.

Theo Thạc sĩ Lê Như Thịnh, Viện Nghiên cứu Rau quả (FAVRI) thì sau các hội thảo tại Mộc Châu tháng 7/2022 và Hội thảo Quốc gia tháng 10/2022 vừa qua thì các hộ nông dân đều có nhu cầu và mong muốn được học tập và thực hành nhằm tham vào thương mại điện tử do các nông hộ nhỏ còn thiếu kiến thức, kỹ năng trong việc tham gia vào thương mại điện tử. Ông cũng cho biết rằng thông qua các lớp tập huấn, dự án kỳ vọng rằng người dân trồng cây ăn trái tham gia dự án sẽ nắm bắt được kiến thức và kỹ năng về thương mại điện tử, tạo lập được tài khoản trên các sàn thương mại điện tử và hướng tới việc bán được sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử mà họ đã tạo lập tài khoản. Ngoài ra, dự kiến cho tới khi kết thúc dự án vào tháng 7/2023, ông cho biết dự án sẽ cùng các nhà tư vấn, các kênh thương mại điện tử tiếp tục hỗ trợ các nông hộ để đưa các sản phẩm ra thị trường tốt nhất và sớm nhất. Đồng thời, dự kiến sẽ có một chuyến khảo sát nhằm đánh giá kết quả của người sản xuất từ khi tham gia dự án có những thay đổi gì và tác động của thay đổi đó tới việc tạo thêm thu nhập cho các nông hộ./.

Nông nghiệp vì An ninh lương thực 2030 (AgriFoSe2030) là một chương trình hợp tác gồm nhiều bên liên quan nhằm hỗ trợ các hệ thống canh tác bền vững của các hộ sản xuất nhỏ ở châu Phi cận Sahara cũng như tại Nam và Đông Nam Á. Chương trình hoạt động trên hợp phần bao gồm: hệ thống thực phẩm an toàn và bổ dưỡng, vai trò quan trọng của nông dân sản xuất nhỏ, năng suất nông nghiệp và dịch vụ hệ sinh thái, và dịch vụ khuyến nông dựa trên khoa học. Trọng tâm chính là xây dựng năng lực của các nhà nghiên cứu để biến nghiên cứu thành kiến thức phù hợp cho các nhà hoạch định chính sách và các nhà thực hành. AgriFoSe2030 được tài trợ bởi Cơ quan Hợp tác Phát triển Quốc tế Thụy Điển (Sida), đứng đầu là một nhóm bao gồm Đại học Khoa học Nông nghiệp Thụy Điển, Đại học Lund, Đại học Linköping và Viện Môi trường Stockholm.

Nguồn: www.slu.se/agrifose

Trang thông tin điện tử của Viện nghiên cứu Rau quả
Địa chỉ : Thị trấn Trâu Quỳ - Gia Lâm - Hà Nội
Điện thoại : 84-024.38276254 - Fax : 84-024.38276148
Email : info@favri.org.vn Website : http://favri.org.vn

Top