Hệ thống hạt giống rau cải thiện dinh dưỡng và thu nhập cho người dân tại huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La

Trong khuôn khổ dự án: “Phát triển hệ thống giống rau trong cộng đồng dân tộc thiểu số tại miền núi phía Bắc Việt Nam nhằm nâng cao dinh dưỡng và thu nhập”. Ngày 04/10/2022, Viện Nghiên cứu Rau quả (FAVRI), Trung tâm Nông nghiệp Nhiệt đới Quốc tế (CIAT) và tổ chức Đa dạng Sinh học Quốc tế đã tổ chức tổng kết dự án sau 3 năm thực hiện (2020 – 2022) tại huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La. Mục tiêu của Hội thảo nhằm tổng kết các hoạt động của dự án, tiếp thu, chia sẻ bài học kinh nghiệm trong bối cảnh địa phương và Việt Nam.

Tham dự Hội nghị tổng kết dự án với khoảng 60 đại biểu đến từ Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Sơn La; Phòng Nông nghiệp và PTNT Mai Sơn, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp Mai Sơn, Liên hiệp Hội Phụ nữ huyện Mai Sơn, đại diện UBND, Hội Nông dân và Hội Phụ nữ các xã Chiềng Chăn, Cò Nòi và đại diện thành viên của HTX rau an toàn Vạn Phúc tại Cò Nòi, Nhóm dinh dưỡng tại Chiềng Chăn và các thành viên trong Câu lạc bộ dinh hưỡng của 2 xã tham gia các hoạt động của dự án.            

Tại buổi tổng kết dự án, các kết quả nổi bật có sự tham gia của Viện Nghiên cứu Rau quả được thể hiện:

(i). Xây dựng thành công HTX rau an toàn Vạn Phúc, xã Cò Nòi với 16 thành viên tham gia HTX, diện tích sản xuất rau đạt trên 10 ha, sản lượng cung cấp trên 250 tấn/năm; Hàng năm sản xuất khoảng 40 kg hạt giống cải mèo, 20kg hạt giống đậu cô ve. HTX đã tham gia mạng lưới các đơn vị sản xuất và tiêu thụ rau trên địa bàn huyện Mai Sơn và là đơn vị có diện tích rau lớn nhất huyện với đa dạng chủng loại rau. Để đạt được kết quả như trên, các hoạt động can thiệp của dự án được thực hiện theo hướng: Có chiến lược tiếp thị sản phẩm phù hợp (không trồng và bán, mà trồng để bán); Chia sẻ kinh nghiệm từ những người mua rau và hạt giống rau; Tiếp cận và chia sẻ kinh nghiệm từ các đơn vị cung ứng giống tốt; Tham quan, học tập kinh nghiệm từ các cơ sở sản xuất rau an toàn điển hình tại Hà Nội và Hưng Yên.

100622 hẹ thong hat giong rau 1

TS. Nguyễn Thị Tân Lộc chia sẻ kết quả thực hiện dự án tại Hội thảo

(ii). Thay đổi hình thức sản xuất, bảo quản hạt giống rau đã giúp sản xuất ra khối lượng hạt giống lớn nhất từ trướ tới nay và mở ra một hướng giúp người dân gìn giữ được giống rau bản địa, chủ động về giống và gia tăng nguồn thu thứ hai sau sản phẩm rau thương phẩm ; Hạt giống đồng đều về kích thước và màu sắc; Tỷ lệ nảy mầm cao (85 – 95%); Tỷ lệ hình thành cây con cao và cây khỏe.

(iii). Xây dựng được 09 câu lạc bộ đa dạng dinh dưỡng thôn bản nhằm nâng cao kiến thức của đồng bào dân tộc thiểu số về dinh dưỡng, sản xuất rau và quản lý hạt giống rau. Câu lạc bộ giúp người dân tiếp cận các loại rau và dinh dưỡng hiệu quả hơn. Các đối tượng rau ăn lá màu xanh đậm (rau ngót, cải H’mông, rau cải xanh) cung cấp Vitamin A, Vitamin C, sắt; Nhóm rau có ruột màu da cam (cà rốt, bí ngô, khoai lang ruột nghệ) cung cấp Vitamin A, Vitamin C, Kali và nhóm hạt đậu đỗ (đậu đen, đậu tương, đậu nho nhe, lạc,..) cung cấp chất đạm, kali, sắt. Các nhóm rau này được lựa chọn là do tình trạng thiếu các Vitamin và sắt trên địa bàn thực hiện dự án. Lượng tiêu thụ nhóm đậu đỗ thấp mặc dù đây là nguồn đạm và sắt chất lượng cao, sẵn có.

Tại hội thảo, Bà Cầm Thị Phong – Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Sơn La nhấn mạnh: Dự án thực hiện sau 3 năm đã thu được nhiều kết quả, góp phần làm thay đổi nhận thức về hạt giống rau và dinh dưỡng không những cho người dân mà còn cho các cán bộ địa phương tham gia dự án. Trong thời gian tới, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Sơn La cùng Hội Nông dân, Hội Phụ nữ sẽ nhân rộng kết quả của dự án trên địa bàn huyện Mai Sơn và các huyện khác trên địa bàn tỉnh Sơn La. Mong tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ Viện Nghiên cứu Rau quả và Trung tâm Nông nghiệp Nhiệt đới Quốc tế giúp phát triển sản xuất và tiêu thụ rau trên địa bàn huyện Mai Sơn nói riêng và tỉnh Sơn La nói chung.

100622 hẹ thong hat giong rau 2

TS. Ngô Thị Hạnh và Bà Cầm Thị Phong thăm khu vực trưng bày sản phẩm của dự án

Hội thảo khép lại với những thông điệp rút ra từ kết quả thực hiện của dự án:

Tầm quan trọng của tiếp cận giống tốt: Tập trung cải thiện sản xuất rau trồng, quan tâm đến bảo quản giống và sản xuất giống rau;

Rau là nguồn dinh dưỡng và thu nhập chính của người nông dân dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Sản xuất rau và hình thành chuỗi giá trị các sản phẩm nông sản mang lại cơ hội lớn cho phát triển, đặc biệt khuyến khích sự tham gia của phụ nữ và thanh niên;

Hạt giống đổi thay – Hành trình với các cộng đồng dân tộc thiểu số ở Tây Bắc Việt Nam.

   Lê Như Thịnh

Nguồn: Viện Nghiên cứu Rau quả

Trang thông tin điện tử của Viện nghiên cứu Rau quả
Địa chỉ : Thị trấn Trâu Quỳ - Gia Lâm - Hà Nội
Điện thoại : 84-024.38276254 - Fax : 84-024.38276148
Email : info@favri.org.vn Website : http://favri.org.vn

Top