Lịch sử hình thành và phát triển của Viện nghiên Cứu Rau quả
Viện Nghiên cứu Rau quả (FAVRI) là một trong 18 Viện thành viên trực thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VAAS); là cơ quan của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chuyên nghiên cứu về các lĩnh vực rau, quả, hoa và cây cảnh trên phạm vi các tỉnh phía Bắc và các tỉnh miền Trung của Việt Nam. Trụ sở chính của Viện được đạt tại thị trấn Trâu Quỳ - huyện Gia Lâm - thành phố Hà Nội.

I.QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN CỦA VIỆN

Viện Nghiên cứu Rau quả được thành lập theo quyết định số 71 NN-TCCB/QĐ ngày 3/3/1990 của Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm (Nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)  trên cơ sở sáp nhập các Trung tâm: Trung tâm Nghiên cứu Đồ hộp rau quả, Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm Rau quả Gia Lâm và một số cán bộ của Trại sản xuất nông nghiệp Gia Lâm để hình thành khối văn phòng Viện cùng các Trung tâm Nghiên cứu Cây ăn quả Phủ Quỳ (Nghĩa Đàn - Nghệ An), Trung tâm Nghiên cứu Rau quả Xuân Mai (Chương Mỹ - Hà Tây), Trung tâm Nghiên cứu Cây ăn quả Phú Hộ (Phù Ninh - Phú Thọ) và Trại sản xuất Nông nghiệp Gia Lâm (sau đổi tên là Trại sản xuất thực nghiệm Gia Lâm và hiện nay là Trung tâm Nghiên cứu Thực nghiệm Rau, Hoa, Quả Gia Lâm) để hình thành tổng thể Viện Nghiên cứu Rau quả trực thuộc Tổng Công ty Rau quả Việt Nam.
Viện Nghiên cứu Rau quả là đơn vị Sự nghiệp nghiên cứu khoa học trực thuộc Tổng công ty Rau quả Việt Nam, được Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường cấp đăng ký hoạt động số 368 ngày 31 tháng 12 năm 1994. Viện là đơn vị trực thuộc Tổng Công ty Rau quả trong suốt giai đoạn 1990 - 1999.

Năm 2000, Viện được chuyển về trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Quyết định số 71/2000/QĐ/BNN-TCCB ngày 4 tháng 7 năm 2000 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Năm 2005, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 220/QĐ-TTg ngày 9 tháng 9 năm 2005 thành lập Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, trong đó Viện Nghiên cứu Rau quả là một trong 10 đơn vị thành viên của Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam.

Trong quá trình sắp xếp lại, một số Trung tâm Nghiên cứu trực thuộc Viện được chuyển về trực thuộc các Viện thành viên của Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam. Trong đó: Trung tâm Nghiên cứu Cây ăn quả Phú Hộ chuyển về trực thuộc Viện Khoa học kỹ thuật Nông Lâm nghiệp miền núi phía Bắc; Trung tâm Nghiên cứu Cây ăn quả Phủ Quỳ chuyển về trực thuộc Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp Bắc Trung Bộ. Và Trung tâm Nghiên cứu Dâu tằm tơ Trung ương sáp nhập về trực thuộc Viện Nghiên cứu Rau quả.

Năm 2010, Trung tâm Nghiên cứu Dâu tằm tơ được tách trở thành đơn vị thành viên trực thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam.

II.CƠ CẤU TỔ CHỨC  VÀ CHỨC NĂNG NHIỆM VỤ CỦA VIỆN
1.Cơ cấu tổ chức của Viện

* Các phòng chức năng

Văn phòng Viện; Phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế.

* Các bộ môn nghiên cứu

Bộ môn Cây ăn quả; Bộ môn Rau và Cây gia vị; Bộ môn Sinh lý Sinh hóa và Công nghệ sau thu hoạch; Bộ môn Công nghệ sinh học; Bộ môn Kinh tế Thị trường.

* Các trung tâm trực thuộc

Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm Rau, Hoa, Quả Gia Lâm; Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Cây có múi; Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Hoa, Cây cảnh

* Đơn vị sản xuất kinh doanh

Công ty Tư vấn và Đầu tư phát triển Rau - Hoa - Quả

2.Chức năng nhiệm vụ của Viện

* Chức năng của Viện 

Viện Nghiên cứu Rau quả là đơn vị sự nghiệp khoa học, trực thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, có nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ về rau, quả, hoa, cây cảnh.

Viện Nghiên cứu Rau quả được Nhà nước cấp kinh phí hoạt động, được sử dụng con dấu và tài khoản riêng tại kho bạc Nhà nước theo quy định của pháp luật.

* Nhiệm vụ của Viện

  1. Xây dựng chương trình, dự án, kế hoạch nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ dài hạn, năm năm và hàng năm thuộc lĩnh vực rau, quả và hoa cây cảnh phục vụ cho mục tiêu phát triển của ngành trình cấp có thẩm quyền  phê duyệt và tổ chức thực hiện.
  2. Thực hiện nghiên cứu khoa học và chuyên giao công nghệ về:

- Chọn, tạo, khảo nghiệm và phát triển giống rau, quả và hoa cây cảnh có giá trị hàng hoá cao phù hợp với điều kiện tự nhiên của vùng sinh thái.

- Kỹ thuật thâm canh tăng năng suất, chất lượng rau, quả và hoa cây cảnh; Công nghệ bảo quản, chế biến rau, quả và hoa

- Kiểm nghiệm chất lượng rau, hoa, quả

- Nghiên cứu kinh tế và thị trường rau, quả và hoa cây cảnh

  1. Thực hiện các nhiệm vụ chuyển giao khoa học công nghệ, khuyến nông thuộc lĩnh vực rau quả, hoa, cây cảnh
  2. Thực hiện các hợp tác quốc tế về nghiên cứu khoa học, chuyên giao công nghệ, hợp tác chuyên gia và đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực nghiên cứu của Viện với các tổ chức và cá nhân nước ngoài  theo quy định  của Nhà nước.
  3. Liên kết, hợp tác về nghiên cứu  khoa học và phát triển công nghệ, thử nghiệm kỹ thuật mới, đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực được giao với các tổ chức trong nước theo quy định của pháp luật

III CƠ SỞ VẬT CHẤT VÀ ĐỘI NGŨ CÁN BỘ
1. Cơ sở vật chất 
Toàn viện hiện đang quản lý 117 ha đất; trong đó tại Trụ sở Viện đang quản lý là 86,5 ha và tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Cây có múi đang quản lý 30,5 ha.

Viện có hệ thống đồng ruộng thí nghiệm với đầy đủ các vườn mô hình trình diễn, các tập đoàn rất phong phú về nguồn gen các giống rau, hoa, cây ăn quả phục vụ cho công tác nghiên cứu chọn tạo giống và các biện pháp kỹ thuật canh tác trên các đối tượng cây trồng nghiên cứu của Viện. Viện có hệ thống nhà lưới với quy mô trên 1,5 ha, được trang bị tương đối hiện đại, đủ điều kiện để triển khai các nội dung nghiên cứu cần trong điều kiện canh tác có bảo vệ, cách ly hoặc điều khiển các yếu tố môi trường theo yêu cầu của cây trồng nghiên cứu. 

Ngoài ra, Viện còn có hệ thống các phòng thí nghiệm tại Viện và các trung tâm trực thuộc với tương đối đầy đủ các trang thiết bị hiện đại để đưa các tiến bộ về công nghệ sinh học vào ứng dụng trong công tác chọn tạo giống, trong công nghệ sau thu hoạch và trong việc phân tích, đánh giá chất lượng các sản phẩm rau, hoa, cây ăn quả.

Nguồn lực cán bộ
Toàn Viện hiện có 308 cán bộ công nhân viên, trong đó có 156 cán bộ biên chế và số còn lại là cán bộ hợp đồng đang làm việc tại các bộ môn, các đơn vị trực thuộc Viện. Trong tổng số cán bộ của Viện, hiện tại Viện có 1 Giáo sư tiến sỹ, 18 tiến sỹ, 85 thạc sỹ, 92 kỹ sư - cử nhân.

IV. MỘT SỐ THÀNH TỰU NGHIÊN CỨU TIÊU BIỂU
Hơn hai mươi năm thành lập và phát triển là một quá trình lao động bền bỉ và sáng tạo, phấn đấu không ngừng của nhiều thế hệ cán bộ công nhân viên của Viện và Viện đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao trên tất cả các lĩnh vực rau, hoa và cây ăn quả. Các kết quả nghiên cứu của Viện đã được chuyển giao rộng rãi vào sản xuất, có những đóng góp có ý nghĩa cho sự phát triển của nông nghiệp nói chung và sự phát triển của ngành rau quả nói riêng; góp phần làm tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho người nông dân các tỉnh phía Bắc và miền Trung. Cùng với các nhiệm vụ được giao thực hiện, trong những năm qua Viện đã phối hợp chặt chẽ, giúp giải quyết những vấn đề khó khăn, trở ngại của các địa phương có liên quan đến các lĩnh vực chuyên môn của Viện và cũng đã thu được những kết quả rất đáng khích lệ. Sự đóng góp từ các kết quả nghiên cứu của Viện cho sự phát triển của ngành rau quả trong những năm qua đã cho thấy các định hướng nghiên cứu của Viện phù hợp với xu hướng phát triển của ngành, đã đáp ứng được các yêu cầu của thực tế sản xuất
* Các giống và tiến bộ kỹ thuật được công nhận
Trong 10 năm gần đây, Viện đã tuyển chọn, lai tạo thành công 17 giống cây ăn quả, 24 giống rau và cây gia vị, 19 giống hoa và cây cảnh. Các giống rau, hoa và cây ăn quả mới đã được Bộ Nông thôn công nhận giống cho sản xuất thử hoặc giống chính thức.
 Về tiến bộ kỹ thuật, Viện đã nghiên cứu hoàn thiện 15 quy trình kỹ thuật về cây ăn quả, 13 quy trình kỹ thuật về rau và cây gia vị, 06 quy trình kỹ thuật về hoa cây cảnh và 01 quy trình kỹ thuật về bảo quản chế biến. Các tiến bộ kỹ thuật đều được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận chính thức để chuyển giao công nghệ và áp dụng vào sản xuất.

* Các giải thưởng về hoạt động khoa học công nghệ

Năm 2009, Viện Nghiên cứu Rau quả đươc Bộ KHCN trao Cúp vàng tại Hội chợ  ASEAN techmart + 3  cho Quy trình công nghệ sản xuất hoa lan Hồ điệp theo quy mô công nghiệp.

* Hợp tác quốc tế
Trải qua hơn hai mươi năm xây dựng và phát triển, Viện đã thiết lập được mối quan hệ rộng rãi với nhiều cơ quan, tổ chức quốc tế khác nhau. Trong đó, các cơ quan, tổ chức quốc tế có nhiều các nội dung hợp tác với Viện là Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO), Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp quốc tế Pháp (CIRAD), Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp quốc tế Úc (ACIAR), Trung tâm Rau thế giới (AVRDC), Tổ chức Đa dạng sinh học quốc tế (The International Biodiversity), Tổng cục Phát triển Nông nghiệp Hàn Quốc (RDA), chương trình hợp tác nông nghiệp của Úc (CARD), và Mạng lưới cây ăn quả nhiệt đới quốc tế (TFNet).

Với các kết quả đạt được trong lĩnh vực hợp tác quốc tế trong thời gian qua, đến nay, Viện đã trở thành một địa chỉ tin cậy của các tổ chức quốc tế để có thể hợp tác, triển khai các dự án hợp tác quốc tế về các lĩnh vực rau, hoa, cây ăn quả. Và công tác hợp tác quốc tế đã được Viện xác định luôn là một hướng đi nhằm tranh thủ sự hỗ trợ về tài chính, về công nghệ và công tác đào tạo, giúp Viện có điều kiện tốt hơn hoàn thành tốt các nhiệm vụ của Nhà nước và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao thực hiện.

V.CÁC PHẦN THƯỞNG CỦA ĐẢNG VÀ NHÀ NƯỚC

Với những kết quả nghiên cứu đạt được, những đóng góp của Viện cho sự phát triển của ngành nông nghiệp nói chung và sự phát triển của ngành rau quả nói riêng, nhiều cán bộ khoa học của Viện đã được nhận các danh hiệu thi đua của Bộ, Chính phủ và Nhà nước trao tặng. Viện đã vinh dự được Nhà nước trao tặng huân chương lao động hạng Ba.

Năm 1998, Viện được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương lao động hạng Ba.

Năm 2012, Viện được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương lao động hạng Nhì.

VI.NHỮNG ĐỊNH HƯỚNG NGHIÊN CỨU CHÍNH CỦA VIỆN

Phát huy truyền thống hơn 20 năm xây dựng và Phát triển, Viện xác định nhiệm vụ trọng tâm cho giai đoạn mới là:

- Xây dựng Viện Nghiên cứu Rau quả trở thành Trung tâm khoa học công nghệ hàng đầu ở các tỉnh phía Bắc về các cây trồng rau, hoa và cây ăn quả, đáp ứng cung cấp luận cứ khoa học, công nghệ tiên tiến, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất của ngành theo hướng sản xuất hàng hóa, bền vững và thân thiện với môi trường.

- Cải tiến, phát triển các giống cây ăn quả quý, có chất lượng quả cao từ nguồn gen bản địa; phối hợp với việc sử dụng các nguồn gen nhập nội, chọn tạo các giống cây ăn quả mới có năng suất cao, chất lượng sản phẩm quả tốt đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, tăng khả năng cạnh tranh với các sản phẩm quả cùng loại của các nước trong khu vực ở trong nước và các thị trường xuất khẩu.

- Chọn tạo giống mới một số giống rau đang được trồng chủ lực ở các tỉnh phía Bắc theo hướng chọn tạo các giống lai F1; hoàn thiện các quy trình công nghệ sản xuất hạt lai F1, nhằm hạ giá thành sản xuất hạt lai, từng bước chủ động nguồn hạt giống rau từ trong nước và hạn chế nhập khẩu.

- Chọn tạo các giống hoa mới theo hướng lai hữu tính, đa dạng về chủng loại giống và màu sắc hoa, đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trong nước và tăng tỷ lệ giá trị xuất khẩu về hoa trong tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành.

- Ứng dụng công nghệ cao vào trong sản xuất các đối tượng cây rau, hoa nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hiệu quả sản xuất cao và an toàn cả cho người sản xuất và người tiêu dùng.

- Đẩy mạnh công tác chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật về rau, hoa và cây ăn quả vào sản xuất, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất của ngành, nâng cao hiệu quả sản xuất và tăng thu nhập cho người nông dân.

Trang thông tin điện tử của Viện nghiên cứu Rau quả
Địa chỉ : Thị trấn Trâu Quỳ - Gia Lâm - Hà Nội
Điện thoại : 84-024.38276254 - Fax : 84-024.38276148
Email : info@favri.org.vn Website : http://favri.org.vn

Top