Nghiệm thu cấp thành phố đề tài: Nghiên cứu phát triển giống dưa lê vàng lai mới chất lượng trong điều kiện ứng dụng công nghệ cao tại Hà Nội
Ngày 29/9/2023, tại Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội đã tổ chức hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu cấp thành phố nhiệm vụ khoa học và công nghệ kết quả thực hiện đề tài: “Nghiên cứu phát triển giống dưa lê vàng lai mới chất lượng trong điều kiện ứng dụng công nghệ cao tại Hà Nội” do Viện Nghiên cứu Rau quả thực hiện. Tham gia hội đồng nghiệm thu có GS.TS Nguyễn Hồng Sơn – Chủ nhiệm chương trình nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ phục vụ phát triển nông nghiệp kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới (CT04), Chủ tịch hội đồng; GS.TS Trần Khắc Thi – Phó Chủ nhiệm chương trình CT04, các nhà Khoa học tại các đơn vị giảng dạy, cơ quan chuyên môn và cán bộ Sở Nông nghiệp và PTNT thành phố Hà Nội, về phía đơn vị chủ trì có ThS Lê Thị Hà Trưởng phòng Khoa học và HTQT - Viện Nghiên cứu Rau quả cùng một số cán bộ tham gia thực hiện đề tài.
Các thành viên hội đồng tư vấn nghiệm thu kết quả nhiệm vụ và đại biểu đánh giá kết quả
Báo cáo tại Hội nghị nghiệm thu, ThS Phạm Thị Minh Huệ - Chủ nhiệm đề tài đã trình bày tóm tắt kết quả thực hiện đề tài với thời gian thực hiện 36 tháng từ tháng 10/2020 đến tháng 9/2023 với các kết quả đạt được như sau:
- Nghiên cứu tổng quan tình hình sản xuất và tình hình nghiên cứu dưa lê và dưa vàng trên thế giới và Việt Nam. Đề xuất được bản tiêu chuẩn năng suất và chất lượng dưa lê vàng.
- Điều tra đánh giá hiện trạng sản xuất và tiêu thụ dưa lê vàng tại một số vùng trồng dưa trên địa bàn thành phố Hà Nội. Đã đề xuất một số giải pháp thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ dưa lê vàng tại Hà Nội.
Lựa chọn được giống dưa lê vàng Happy 6 sinh trưởng khỏe, năng suất đạt trên 30 tấn/ha, độ Brix đạt 14% phù hợp với điều kiện canh tác trong nhà lưới và ngoài đồng trên địa bàn Hà Nội.
Nghiên cứu một số biện pháp kỹ thuật phù hợp sản xuất dưa lê vàng trong nhà lưới và ngoài ruộng. Các kết quả nghiên cứu được xây dựng thành quy trình sản xuất dưa lê vàng ứng dụng công nghệ cao. Quy trình được công nhận cấp cơ sở theo Quyết định số 209/QĐ – VRQ ngày 08 tháng 08 năm 2023. Quy trình phù hợp với sản xuất thực tiễn, ngắn gọn, dễ hiểu và dễ áp dụng.
ThS. Phạm Thị Minh Huệ - Chủ nhiệm đề tài – Báo cáo kết quả đề tài
- Xây dựng 03 mô hình sản xuất dưa lê vàng Happy 6 trong đó 01 mô hình sản xuất dưa lê vàng trồng trong bịch giá thể trong nhà lưới với quy mô 0,3 ha tại Chúc Sơn, Chương Mỹ, Hà Nội, năng suất dưa lê vàng Happy 6 đạt trên 32 tấn/ha, hiệu quả kinh tế cao hơn 1,5 lần so với sản xuất dưa đại trà. 02 mô hình sản xuất dưa lê vàng trồng trên đồng ruộng với quy mô 01 ha/mô hình tại 2 điểm: HTX Rau quả sạch Chúc Sơn, H. Chương Mỹ, Hà Nội và xã Yên Thường, H. Gia Lâm, Hà Nội. 2 mô hình trồng dưa lê vàng ngoài đồng ruộng trồng giống dưa lê vàng Happy 6 và dưa lê vàng Happy 6 ghép trên giống bí Shintosa (Happy6/Shintosa) có khả năng sinh trưởng khỏe, hạn chế được một số bệnh tuyến trùng và nấm trong đất, năng suất đạt 30,41 – 31,02 tấn/ha (Happy 6) và 32,87 – 34,45 tấn/ha(Happy 6/Shintosa), độ Brix đạt 13,8 -14%. Hiệu quả kinh tế tăng 1,5 lần so với dưa trồng đại trà. Đề tài đã xây dựng mô hình tiêu thụ sản phẩm dưa lê vàng liên kết với mô hình sản xuất bằng hợp đồng bao tiêu sản phẩm với một số doanh nghiệp như Công ty Cổ phần trách nhiệm hữu hạn sản xuất và dịch vụ Tâm Đức, TP Vĩnh Yên và Công ty Cổ phần Golden Crops Việt Nam.
Hội nghị đầu bờ, đánh giá kết quả thực hiện mô hình tại Chúc Sơn, Chương Mỹ, Hà Nội vụ xuân hè năm 2023
- Tổ chức 01 lớp đào tạo cho 10 học viên, giúp họ có hiểu biết về kỹ thuật trồng dưa lê vàng Happy 6 ứng dụng công nghệ cao, 02 lớp tập huấn cho 60 lượt người dân giúp họ nắm được lý thuyết cơ bản về trồng dưa lê vàng Happy 6. Tổ chức 03 hội nghị đầu bờ giới thiệu về giống và kỹ thuật trồng dưa lê vàng Happy 6 trồng trong nhà lưới ứng dụng công nghệ cao và ngoài đồng.
- Đăng tải 01 bài báo khoa học trên tạp chí Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Hội đồng nghiệm thu đã đánh giá cao những kết quả đề tài đã đạt được, các sản phẩm đều đạt về chủng loại, số lượng và chất lượng so với yêu cầu, có giá trị thực tiễn và khả năng nhân rộng. Kết quả đánh giá nghiệm thu đề tài có 6/7 thành viên có mặt đạt 8,4 điểm, xếp loại Khá./.
Phạm Thị Minh Huệ
Nguồn: Viện Nghiên cứu Rau quả
Tin mới
- Kiểm tra tiến độ triển khai đề tài cấp cơ sở “Tuyển chọn và phát triển một số giống sen phù hợp với điều kiện sản xuất tại huyện tân thạnh, tỉnh Long An” - 31/10/2023 04:05
- Hội nghị sơ kết mô hình sản xuất sen gắn với phát triển du lịch sinh thái theo chuỗi giá trị tại Đồng Tháp - 31/10/2023 03:53
- Kiểm tra tiến độ đề tài cấp tỉnh “Tuyển chọn, nhân giống cây mai vàng và ứng dụng iot để quản lý kỹ thuật sản xuất trên địa bàn tỉnh Long An” - 30/10/2023 09:40
- Kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20/10/1930 - 20/10/2023) - 26/10/2023 02:47
Các tin khác
- Nghiệm thu đề tài cấp tỉnh “Nghiên cứu xây dựng quy trình nhân giống và trồng một số loài cây hoa lan có giá trị theo hướng hàng hóa tại Lai Châu” - 05/10/2023 09:15
- Hội nghị khoa học Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Hoa, Cây cảnh năm 2023 - 02/10/2023 06:57
- Kiểm tra mô hình mẫu sản xuất sen gắn với phát triển du lịch sinh thái theo chuỗi giá trị tại quê Bác - 11/09/2023 09:16
- Học và làm theo Bác: PGS.TS Hoàng Thị Lệ Hằng - 24/07/2023 07:02
- Nghiệm thu dự án quỹ gen cấp quốc gia: sản xuất thử nghiệm 02 giống hoa lan kiếm thanh ngọc và hoàng vũ tại một số tỉnh phía Bắc - 06/07/2023 08:31