Kinh tế hợp tác trong phát triển nông nghiệp Sơn La, dưới góc nhìn nghiên cứu

(ĐS&PL)Đánh giá nguyên nhân của những thành công nổi bật của tỉnh Sơn La, Bí thư tỉnh ủy Hoàng Văn Chất nhấn mạnh đến các yếu tố bao gồm: Chính sách khuyến khích liên kết sản xuất và phát triển nông nghiệp hữu cơ; Sự hỗ trợ của KH&CN, nhất là công nghệ ghép mắt cây ăn quả; Những thay đổi và phát triển của tổ chức sản xuất thông qua các HTX nông nghiệp kiểu mới; Đẩy mạnh xúc tiến thương mại; Khuyến khích kêu gọi đầu tư liên kết với các viện, trường, các doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp chế biến nông sản quy mô lớn trên địa bàn (Hoàng Văn Chất 2019).

Từ góc nhìn nghiên cứu,các chuyên gia quản lý nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn đã bắt đầu từ thực tiễn của các tổ chức kinh tế hợp tác để có cái nhìn đa chiều trong tổ chức lại sản xuất.

Tỉnh Sơn La hiện có trên 430 HTX, trong đó 221 là HTX nông nghiệp, riêng lĩnh vực rau quả có 181 HTX. Thời gian gần đây, mỗi năm toàn tỉnh thành lập mới từ 60 đến 80 HTX nông nghiệp. Các HTX thường có quy mô nhỏ (từ 7 đến vài chục thành viên). Tuy nhỏ, song với phương thức hoạt động phù hợp với đòi hỏi của thực tế sản xuất và tiêu thụ nông sản, các HTX nông nghiệp đã trở thành địa chỉ tin cậy của nông dân trong mở rộng những mặt hàng nông sản mới.

Nghiên cứu hoạt động của các HTX nông nghiệp ở tỉnh Sơn La cho thấy, hình thức HTX quy mô nhỏ đã mang lại hiệu quả thiết thực đối với mô hình trồng rau và cây ăn quả tập trung. Những HTX sản xuất kinh doanh năng động, Giám đốc có vai trò chủ chốt trong hoạt động kinh doanh, họ thường là những nhà quản lý rất am hiểu kỹ thuật canh tác đồng thời cũng rất nhạy bén trong xây dựng quan hệ liên kết kinh doanh.

Tại xã Hát Lót huyện Mai Sơn, khi chưa có Hợp tác xã Nông nghiệp sinh thái Nà Sản, hơn 10 hộ dân nông nghiệp ở đây chỉ trồng cây ăn quả theo hướng tự phát với năng suất, sản lượng thấp, phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết, còn đầu ra lại rất bấp bênh, bị thương lái ép giá.

Hợp tác xã nông nghiệp Nà Sản được thành lập vào tháng 4 năm 2018, hiện có 11 thành viên, với hơn 15 héc ta đất nông nghiệp trồng các loại cây ăn quả như: Cam đường Canh, nhãn ghép, thanh long ruột đỏ, dâu tây và bưởi Diễn. ..Trong đó, cam là cây trồng chủ lực, tạo nên thương hiệu mạnh của xã Hát Lót.

Ngay khi đi vào hoạt động, hợp tác xã đã khoanh vùng, trồng tập trung từng loại cây trên một diện tích nhất định để chăm sóc hữu cơ theo tiêu chuẩn VietGAP, sử dụng công nghệ tưới phun cục bộ, phòng trừ sâu bệnh bằng vi sinh vật, tận dụng phụ phẩm nông nghiệp vàọ nuôi trùn quế tạo nguồn phân hữu cơ... hợp tác xã còn kết hợp làm du lịch, thu hút được nhiều du khách và nhất là học sinh đến trải nghiệm, làm giàu thêm kiến thức sống.

 72919 kinh te hop tac 1

Cây ăn quả trên đất dốc Sơn La

Để giải quyết khó khăn tiêu thụ nông sản cho người dân trong khu vực, HTX đã tiến hành đăng ký thương hiệu cho các nông sản chủ yếu và liên kết với các chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch ở các tỉnh, thành phố trong vùng như Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng...Trong nâng cao giá trị gia tăng của chuỗi nông sản tiêu thụ, trước khi xuất bán, hợp tác xã còn sơ chế, phân loại để chọn ra các sản phẩm chất lượng cao, phù hợp với yêu cầu của người tiêu dùng.

Với hướng hoạt động sản xuất kinh doanh trên đây, những sản phẩm làm ra của HTX đều đạt chất lượng tốt, đồng đều với giá thành giảm so với trước khi vào HTX. Trên diên tích 2ha trồng cam năm 2018, HTX đã có sản lượng gần 60 tấn cam hữu cơ theo tiêu chuẩn VietGAP. Trong chuỗi giá trị nông sản trước ngày xuất bán, HTX đã đã phân loại, sơ chế, dán tem mác và đóng thùng đúng quy cách, bán trực tiếp cho nhà tiêu thụ theo hợp đồng nên giá trị sản phẩm tăng cao, đạt từ 35.000 đồng đến 55.000 đồng/kg, tăng từ 40% đến 83,3% so với những năm trước, không trồng theo quy chuẩn và bán buôn cho các thương lái. (Trần Long 2019)

Với cách làm trên đây, vụ cam 2018 HTX nông nghiệp Nà Sản đã có nguồn thu hơn 1 tỷ đồng. Tuy quy mô nhỏ, nhưng HTX đã góp phần thiết thực tạo vùng cây ăn quả tập trung, giúp phát triển kinh tế, cải thiện đời sống và xây dựng NTM giầu đẹp ở huyện Mai Sơn.

Đến xã Đông Sang, huyện Mộc Châu vào những vườn rau sạch, không mùi thuốc trừ sâu, quanh năm xanh tốt của HTX rau An toàn Tự Nhiên trong tôi luôn đọng lại những ấn tượng rất khó phai mờ. Dẫn chúng tôi thăm HTX, Giám đốc Nguyễn Thị Luyến, người khởi xướng và từng vận động nông dân trong bản liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm rau sạch theo chuỗi giá trị cho biết, sau 2 năm vận hành theo mô hình tổ hợp tác (THT), năm 2013 hợp tác xã rau an toàn Tự Nhiên chính thức đi vào hoạt động với 19 thành viên và 7,6 ha quỹ đất đất trồng rau.

Ngay khi thành lập, HTX đã xác định sản xuất an toàn, khoa học là điều kiện tiên quyết để phát triển bền vững. Vì vậy, đã chủ động liên hệ với cơ quan chức năng, xin tư vấn về kỹ thuật, cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, cách chẩn đoán bệnh của từng loại rau, củ, quả… nhằm nâng cao hiệu quả, đảm bảo an toàn lao động (ATLĐ) trong quá trình sản xuất

Do hầu hết xã viên quen với tập quán sản xuất cũ, nên buổi đầu tiếp cận sản xuất theo quy trình VietGAP HTX đã gặp không ít khó khăn, khi phải tuân thủ yêu cầu khắt khe như ghi chép sản xuất rõ nguồn giống, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “4 đúng” và đảm bảo thời gian cách ly... Được sự hỗ trợ tích cực của các cơ quan chuyên môn của tỉnh, huyện về nhiều mặt như chuyển giao kỹ thuật sản xuất; hỗ trợ xây dựng nhà lưới, công cụ sản xuất, sọt đựng sản phẩm; hỗ trợ  tham gia các hội chợ quảng bá sản phẩm và tìm kiếm đối tác...HTX dần khắc phục được những khó khăn.

Trong những yếu tố tạo thành công của HTX, đáng kể nhất là HTX đã ra đời đúng vào thời điểm Nhà nước khuyến khích phát triển HTX và vấn đề an toàn thực phẩm đang trở thành sự quan tâm chung của toàn xã hội. Từ 19 hộ thành viên, sau 5 năm thành lập, HTX đã phát triển lên gồm 38 hộ thành viên với 13,7 ha đất trồng rau. Nhờ trồng được nhiều vụ rau trái vụ, HTX đã đưa sản lượng các loại rau an toàn (RAT) đạt bình quân lên trên 1.200 tấn/năm, tạo thu nhập ổn định cho hàng chục xã viên với mức thu nhập bình quân 500 - 600 triệu đồng/ha/năm.

Với mong muốn xây dựng thương hiệu “Rau Mộc Châu”, tập thể HTX đã tận tâm trong từng sản phẩm rau, củ, quả sạch. Dưới sự hướng dẫn trực tiếp của các kỹ sư  thuộc Trường đại học Nông nghiệp Hà Nội, các hộ thành viên HTX là người dân tộc quen dần với việc áp dụng khoa học kỹ thuật trồng rau. Rau sản xuất ra tới đâu được bán hết tới đó và có giá cao gấp đôi so với rau sản xuất trôi nổi trên thị thường.

Trao đổi cùng chúng tôi bà Luyến cho rằng, yếu tố quyết định đến chất lượng rau sạch của HTX là xây dựng và kiểm soát chặt chẽ quy trình liên kết sản xuất rau. Theo đó, các hộ thành viên huy động quỹ đất trồng rau, còn HTX căn cứ đơn đặt hàng của các siêu thị để lập kế hoạch điều hành, phân chia cho xã viên từng loại rau, củ, quả với chủng loại và sản lượng cụ thể sản xuất từng vụ.

Để bảo đảm quy trình sản xuất rau an toàn, các hộ thành viên được tập huấn kỹ thuật và công nghệ trồng rau, có sổ ghi chép thực hiện quy trình sản xuất hàng ngày về bón phân, sử dụng loại thuốc phun và ngày cách ly... HTX chia số hộ thành viên làm 4 tổ, hàng tuần tiến hành kiểm tra chéo để bảo đảm thực hiện đúng quy trình. Hộ nào không thực hiện đúng quy trình, quy phạm canh tác, thu hoạch, không ghi chép nhật ký đều đặn bị phê bình, nhắc nhở hoặc kiểm điểm ngay.

Sau gần 7 năm hoạt động, HTX rau an toàn Tự Nhiên đã giúp nhiều hộ thành viên thoát nghèo, được nhiều hộ đồng bào dân tộc mong muốn tham gia. Trong xu hướng này, Giám đốc HTX đã đứng ra thành lập các tổ hợp tác mới trong mô hình HTX với sự tham gia của 20 hộ là người dân tộc thiểu số.

HTX rau an toàn Tự nhiên ngày càng mở rộng, đưa diện tích trồng trọt lên 25 ha, nhằm đáp ứng sản lượng các loại rau củ quả an toàn ngày một gia tăng. Cùng với mặt hàng rau quả, phát huy lợi thế tự nhiên của vùng cao nguyên Mộc Châu, HTX đang chuẩn bị tích cực để sớm đưa hoạt động du lịch nghỉ dưỡng vào hoạt động kinh doanh của các hộ gia đình.

 72919 kinh te hop tac 2

Sản xuất rau theo quy trình VietGAP tại HTX rau an toàn Tự Nhiên, (Mộc Châu).

Về HTX trồng nấm Thảo Nguyên thuộc huyện Mộc Châu, nghiên cứu tại đây chúng tôi được biết,  giám đốc Nguyễn Thanh Hải lại có cách làm khác biệt. Xuất phát từ công nghệ và chuỗi giá trị của ngành trồng nấm, anh đã tập trung nhiều vào những quy trình hiên đại, gắn kết công nghệ vi sinh với công nghệ thông tin ngay từ bước khởi đầu xây dựng hợp tác xã, để tổ chức liên kết sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ và kinh doanh dịch vụ.

 72919 kinh te hop tac 3

HTX nấm Thảo Nguyên với 7 thành viên

Nằm ở tiểu khu 1 xã Mường Sang, huyện Mộc Châu, HTX nấm Thảo Nguyên với 7 thành viên, được phép họat động từ ngày 04 tháng 01 năm 2016 với ngành ngề kinh doanh chế biến và bảo quản rau quả; trồng rau các loai; trồng hoa, cây cảnh; chăn nuôi lợn, gà và hoạt động dịch vụ sau thu hoạch. Sản phẩm chính của HTX là các loaị nấm ăn với chất lượng cao.

Trụ sở chính của HTX nằm trong thung lũng rộng 5 ha đã được xây dựng giữa 3 quả đồi với những ngôi nhà trồng nấm, nuôi cấy đông trùng hạ thảo trên giá thể sâu chít, sạch sẽ, vô trùng, khang trang trông như những phòng thí nghiệm của cơ sở khởi nghiệp về công nghệ sinh học.

Là con người năng động với vốn hiểu biết thực tiễn về vi sinh sâu và dày dạn kinh nghiệm trong ngành cơ khí, Nguyễn Thanh Hải đã có những chuẩn bị khá đầy đủ về giống, công nghệ nuôi trồng, kỹ thuật chăm sóc trước khi nuôi cấy. Hầu như những công cụ, máy móc xử lý nguyên liệu, chuẩn bị giá thể và tưới nấm tự động anh đều tự nghiên cứu chế tạo cho phù hợp với quy trình sản xuất với giá thành hạ thấp.

Với giá thể nuôi cấy là lõi ngô nghiền, bông gạo và bột gạo sau 15 giờ hấp tiệt trùng, được đóng thành bịch 1,6 kg để nuôi trồng nấm trong các ngôi nhà được khống chế nhiệt độ và độ ẩm phù hợp, mỗi lứa thu hoạch HTX đã thu về từ 1 đến 1,2 tấn sản phẩm sạch, tươi ngon với hàm lượng lượng chất dinh dưỡng cao. Không dừng ở sản phẩm tươi, HTX đã chế biến nấm thành những món ăn như nem, sào, ...nộm hoặc được tẩm ướp thích hợp với khẩu vị của thực khách trong các bữa ăn hàng ngày. Không dừng ở nuôi nấm sò, HTX Thảo Nguyên đã mở rộng sang cả trông nấm Linh Chi trên giá thể gỗ nguyên khối cho sản lượng một vụ (6 tháng) tới 3.000Kg và đặc biệt là cả Đông trùng hạ thảo trên nền sâu chit.

Ngày nay, trong sản xuất người ta thường nói tới mô hình kinh tế tuần hoàn không chất thải. Đến HTX Thảo Nguyên, người thăm dễ dàng bắt gặp được thực tế này. Toàn bộ các bịch giá thể nấm sau thu hoạch HTX đã không để thành rác thải, mà đã thu gom tập trung để nuôi giun quế, hoặc trộn cùng một số chất làm phân vi sinh hữu cơ. Bằng những thiết bị phối trộn tự chế với 2 lao động làm việc, hàng năm HTX đã tạo được 4.000 tấn phân cung cấp cho các hộ trồng cây ăn quả liên kết với HTX trên diện tích gần 200ha. Ngoài cung cấp đầu vào như phân bón, giống cây trồng và hướng dẫn kỹ thuật, HTX Thảo Nguyên còn thu mua sản phẩm để bán tập trung tạo thành môt thương hiệu chung. Không chỉ liên kết với nông dân trong vùng, HTX còn liên kết các HTX ở Mai Sơn, Đoàn kết trong trồng cây ăn quả, HTX Tự Nhiên trồng rau an toàn để sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Đáng chú ý trong liên kết là HTX đã mời được nhiều nhà khoa học trong các Viện,trường Đại học đến tư vấn, chia sẻ nghiên cứu, đặc biết là kết nối chặt chẽ với HTX nông nghiệp số trong sử dụng và hoàn thiện công nghệ thông tin trong điều hành sản xuất kinh doanh. Từ mô hình tưới nấm giỏ giọt định kỳ hiện có, một ngày không xa người điều hành trồng nấm có thể chủ động điều khiển việc tưới từ xa, khi ở ngoài HTX. Từ những kết quả đạt được trong sản xuất và liên kết sản xuất, sản phẩm làm ra trong vùng ngày càng nhiều, HTX nấm Thảo Nguyên đang chuẩn bị khẩn trương để hình thành một trung tâm thương mại đầu mối nhằm tạo thuận lợi tiêu thụ sản xuất trong vùng ngay tại trung tâm, nơi đặt trụ sở của HTX.

Cũng như HTX trồng cây ăn quả Nà Sản, HTX rau an toàn Tự Nhiên, nhờ phát huy tốt năng lực nội sinh và liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm chặt chẽ, HTX nấm Thảo Nguyên đã góp phần quan trọng vào nâng cao thu nhập và cải thiện cuộc sống của nhiều xã viên. Với nguồn thu nhập không ngừng gia tăng và để tiếp tục nâng cao hiệu quả sản xuất và cải thiện đời sống, các hợp tác xã và bản thân mỗi xã viên đều có khả năng đóng tài chính hoặc trực tiếp xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội trong xây dựng Nông thôn Mới.

Từ thực tế diễn ra trên địa bàn tỉnh Sơn La, Cục trưởng Cục Kinh tế Hợp tác Bộ NN&PTNT Lê Đức Thịnh nhận xét, tuy còn những hạn chế như quy mô vốn góp nhỏ, quản lý chưa chuyên nghiệp nhưng về cơ bản, các HTX nông nghiệp đều tuân thủ và đáp ứng quy định của luật HTX về đăng ký và triển khai hoạt động. Đa phần HTX nông nghiệp làm dịch vụ quản lý quy trình kỹ thuật sản xuất an toàn, quảng bá xúc tiến thương mại và làm đầu mối đại diện ký kết hợp đồng tiêu thụ nông sản.

Đối với những HTX quy mô lớn, có kinh nghiệm trong liên kết thị trường tiêu thụ, sản xuất kinh doanh đa dạng hơn có thể làm các dịch vụ đầu vào như giống cây trồng vật nuôi; vật tư,phân bón; dịch vụ thu hoạch, sơ chế biến, hoàn thiện đóng gói; xây dựng thương hiệu và hợp đồng tiêu thụ sản phẩm cho xã viên và các hộ nông dân trên địa bàn. Ngoài kiên kết với doanh nghiệp đầu vào, đầu ra, HTX còn có thể liên kết với nhau trong sản xuất kinh doanh. Số đông HTXdạng này thường liên kết với những HTX mới thành lập, tạo những vệ tinh cung cấp vật tư đầu vào và bổ sung sản phẩm đầu ra, nhằm đáp ứng quy mô của các hợp đồng nông sản lớn hơn./.

Nguồn: doisongphapluat.com

Trang thông tin điện tử của Viện nghiên cứu Rau quả
Địa chỉ : Thị trấn Trâu Quỳ - Gia Lâm - Hà Nội
Điện thoại : 84-024.38276254 - Fax : 84-024.38276148
Email : info@favri.org.vn Website : http://favri.org.vn

Top