Tập huấn kỹ thuật chăn nuôi ong mật

Dự án: “Chuyển đổi số để thích ứng” tại huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa do Tổ chức Hợp tác Phát triển Áo tài trợ, với nguồn tài trợ đến từ Liên Minh Phát triển Áo được thực hiện bởi Tổ chức Tầm nhìn Thế giới tại Việt Nam và Viện Nghiên cứu Rau quả. Ngày 23 – 24 tháng 11 năm 2024, hợp phần “Nâng cao năng lực và cải thiện thu nhập cho các nông hộ trong sản xuất nông nghiệp bền vững gắn với chuyển đổi số” do Viện Nghiên cứu Rau quả chủ trì đã tiến hành tổ chức lớp tập huấn “Kỹ thuật chăn nuôi ong” tại Hội trường Trung tâm Chính trị huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa với mục đích: Cung cấp các kiến thức về sinh học ong mật và những ứng dụng trong thực tế nuôi ong mật (giống ong nội địa - Apis cerana), kiến thức về kỹ thuật nuôi ong cảỉ tiến, kỹ thuật tạo chúa chia đàn cho các hộ dân mục tiêu của dự án.

Tham gia lớp học có 28 học viên (03 nữ và 25 nam) là các hộ nông dân đang nuôi ong đến từ các xã Thanh Lâm, các hộ đang nuôi ong thuộc HTX Ong Hợp Thành, xã Bình Lương và các hộ đang nuôi ong thuộc HTX dịch vụ ong Yên Lễ, Thị trấn Yên Cát.

Trong khóa học, các nội dung lý thuyết đã được TS. Trần Văn Toàn – chuyên gia phát triển nghề nuôi ong truyền tải đến các học viên gồm: Kỹ thuật cho ong xây bánh tổ mới; Kỹ thuật bổ sung thức ăn cho đàn ong (cho ong ăn nước đường, cho ong ăn thức ăn thay thế phấn hoa); Nguyên nhân, diễn biến, biện pháp đề phòng và xử lý ong chia đàn tự nhiên; Nguyên nhân, diễn biến, biện pháp đề phòng và xử lý ong bốc bay; Giới thiệu kỹ thuật nuôi ong nội khai thác mật ong ở tầng kế; Kỹ thuật nhập đàn ong; Kỹ thuật tạo chúa cấp tạo; Kỹ thuật tạo chúa di trùng; Kỹ thuật giới thiệu chúa và Kỹ thuật chia đàn song song, chia đàn rời chỗ.

112724 tap huan ong 1

112724 tap huan ong 2

Hình ảnh: Học tập, trao đổi lý thuyết tại lớp

Kết hợp với việc học lý thuyết, các học viên đã tham gia học tập thực tế trên đàn ong, tại trại ong của một số hộ nuôi ong thuộc Thị trấn Yên Cát. Học viên đã thực hành phối trộn thức ăn bổ sung thay thế phấn hoa cho đàn ong, lựa chọn địa điểm nuôi ong, bỗ trí các đàn ong trong vườn theo đúng kỹ thuật.

112724 tap huan ong 3

112724 tap huan ong 4

Hình ảnh: Trao đổi, hướng dẫn phối trộn thức ăn bổ sung và kiểm tra đàn ong

Trong thời gian tập huấn, các học viên đã đưa ra những vấn đề gặp phải trong thực tế nuôi ong tại địa phương như thông tin về các đơn vị cung cấp ong chúa giống? Biện pháp kỹ thuật nâng cao tỷ lệ ong chúa giao phối thành công? Đặc tính của mật ong kết tinh và không kết tinh? Tỷ lệ các thành phần thức ăn thay thế phấn hoa, cách pha dung dịch xi rô đường (nước đường) và cách cho ong ăn? Sự khác nhau về chỉ tiêu cảm quan (màu sắc, mùi vị, trạng thái) của mật ong được nuôi gần rừng và nuôi cố định tại nhà? Những vấn đề này đã được được Giảng viên trao đổi và giải thích thấu đáo đến các học viên.  

Kết thúc lớp tập huấn, hầu hết các học viên đánh giá cao kết quả học tập lý thuyết và thực hành trong khóa tập huấn. Họ mong muốn, đợt tập huấn tiếp theo có nhiều thời gian giành cho học thực hành tại trại ong và tập trung chuyên sâu về kỹ thuật quản lý đàn ong theo mùa vụ đặc thù tại địa phương.

Lê Như Thịnh

Nguồn: Viện Nghiên cứu Rau quả 

Trang thông tin điện tử của Viện nghiên cứu Rau quả
Địa chỉ : Thị trấn Trâu Quỳ - Gia Lâm - Hà Nội
Điện thoại : 84-024.38276254 - Fax : 84-024.38276148
Email : info@favri.org.vn Website : http://favri.org.vn

Top