Hội thảo khởi động dự án

“Phát triển hệ thống giống cây trồng trong cộng đồng dân tộc thiểu số ở

miền Bắc Việt Nam để tăng cường an ninh dinh dưỡng và thu nhập cho người dân”

190410 hoi thao khoi dong du an

Hội thảo khởi động dự án được diễn ra tại Viện Di truyền Nông nghiệp Việt Nam từ ngày 01-03/4/2019 với sự tham gia của nhiều đối tác, chuyên gia trong và ngoài nước. i) Về các tổ chức quốc tế: Trung tâm quốc tế nông nghiệp nhiệt đới (CIAT) - cơ quan điều phối dự án; Trung tâm đa dạng sinh học quốc tế (BI), Đại học Wageningen, Hà Lan (WUR); ii) Về các đối tác nghiên cứu và phát triển tại Việt Nam: Viện Nghiên cứu Rau Quả (FAVRI), Hội Nông dân Việt Nam (VFU); iii) Về các đối tác tư nhân: Công ty cổ phần giống cây trồng Trung Ương (Vinaseed), Công ty Tân Lộc Phát (TLP).

Dự án được xây dựng trong bối cảnh sản xuất hạt giống rau ở Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn và thách thức, cụ thể: (i) Khả năng tiếp cận của các nhóm sản xuất nhỏ vào hạt giống rau hạn chế; (ii) Chất lượng giống kém, chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất, thông tin thị trường; (iii) Thực hành sản xuất, đặc biệt là sau thu hoạch thiếu và yếu; (iv) Có nhiều nút thắt về kỹ thuật, tổ chức sản xuất và kinh tế trong chuỗi giá trị hạt giống; (v) Các hoạt động nghiên cứu và phát triển giống hạn chế; (vi) Năng lực của người dân, đặc biệt là lao động dân tộc thiểu số (phụ nữ, thanh niên) hạn chế; (vii) Sự đa dạng về các loại rau trong bữa ăn thấp dẫn tới thiếu cân đối dinh dưỡng.

Mục tiêu tổng thể của dự án thông qua việc phát triển hệ thống giống cây trồng để góp phần nâng cao thu nhập và tăng cường an ninh dinh dưỡng cho cộng đồng dân tộc thiểu số ở các vùng phía Bắc Việt Nam.

Tại cuộc hội thảo, các bên đã tiến hành thảo luận, xây dựng nội dung, kế hoạch cho 4 hợp phần của dự án:

Hợp phần 1: Hệ thống hóa hệ thống hạt giống. Hoạt động được thực hiện trong năm 2019 với các nội dung đánh giá đặc điểm hệ thống hạt giống dựa trên các đặc trưng về kỹ thuật, kinh tế, xã hội, tổ chức; xác định được vùng nghiên cứu, nhóm rau nghiên cứu và xác định các yêu cầu cần nâng cấp trong hệ thống hạt giống gắn với hoạt động kinh tế và tiêu dùng của người dân.

Hợp phần 2: Đổi mới để cải thiện khả năng tiếp cận hạt giống thông qua mô hình sản xuất và kinh doanh. Các hoạt động nghiên cứu được xây dựng, triển khai tại hợp phần sẽ tiến hành lựa chọn các trường hợp nghiên cứu; Triển khai thử nghiệm các mô hình sản xuất, thị trường để giải quyết các vấn đề được đặt ra tại hợp phần 1.

Hợp phần 3: Tiếp cận hạt giống và an ninh dinh dưỡng. Hoạt động nhằm trả lời câu hỏi liệu có mối quan hệ giữa tiếp cận hạt giống và an ninh dinh dưỡng không. Thông qua các giả thuyết, dự án sẽ lựa chọn các trường hợp cụ thể để nghiên cứu, chứng minh.

Hợp phần 4: Hợp phần hóa hệ thống hạt giống. Cuộc họp đã thảo luận các nội dung chủ yếu gồm: tổ chức các hội thảo triển khai và kết thúc dự án; phát triển các hoạt động truyền thông, chia sẻ kinh nghiệm; triển khai các hoạt hoạt động đánh giá dự án (đánh giá ban đầu và đánh giá kết thúc dự án).

Trong chuỗi các sự kiện, hoạt động sẻ kinh nghiệm với các tổ chức quốc tế đã và đang triển khai các dự án liên quan tại miền Bắc diễn ra rất hiệu quả. Qua đó, dự án sẽ kế thừa và huy động sự hợp tác, chia sẻ thông tin với các dự án khác để triển khai các hoạt động có hiệu quả.

Đại diện các bên tham gia dự án cũng đã thảo luận xây dựng cơ chế, nội dung quản lý chung của dự án. Theo đó, Ban quản lý dự án sẽ được thành lập gồm đại diện của mỗi bên tham gia. BQL dự án sẽ họp 2 tháng/lần để đánh giá tiến độ, giải quyết các vấn đề phát sinh và thống nhất các nội dung điều phối trong quá trình triển khai dự án.

Viện nghiên cứu Rau quả là một đơn vị quan trọng tham gia vào dự án. Viện sẽ tập trung triển khai các hoạt động liên quan tới kỹ thuật về giống, xây dựng mô hình sản xuất, tổ chức sản xuất và hỗ trợ nâng cao năng lực thực hành thị trường tốt cho các hộ nông dân tham gia dự án. TS Ngô Thị Hạnh – Bộ môn Rau gia vị và TS Nguyễn Thị Tân Lộc –Bộ môn Kinh tế thị trường sẽ là đại diện, phụ trách các nội dung nghiên cứu về kỹ thuật và thị trường do Viện Nghiên cứu Rau quả đảm nhiệm trong dự án kể trên.

Chia sẻ tại hội thảo, Viện nghiên cứu Rau quả đã đề xuất triển khai một số nội dung trọng tâm trong dự án: (i) Nâng cao năng lực tiếp cận giống, hỗ trợ kỹ thuật cho người sản xuất; (ii) Triển khai các mô hình sản xuất theo chuỗi liên kết từ giống đầu vào đến sản xuất và tiêu thụ; (iii) Phát triển các mô hình sản xuất rau tại hộ “Mô hình vườn rau nhà mình” để giúp đồng bào dân tộc sử dụng đa dạng hóa nguồn giống rau chất lượng, góp phần cải thiện sự đa dạng, cân đối dinh dưỡng trong bữa ăn cho người dân./.

                     Bùi Quang Nguyên

Nguồn: Viện Nghiên cứu Rau quả

Trang thông tin điện tử của Viện nghiên cứu Rau quả
Địa chỉ : Thị trấn Trâu Quỳ - Gia Lâm - Hà Nội
Điện thoại : 84-024.38276254 - Fax : 84-024.38276148
Email : info@favri.org.vn Website : http://favri.org.vn

Top