Phát triển nông nghiệp công nghệ cao: Sớm gỡ vướng để tạo đột phá

In bài này

(HNM) - Hà Nội đang phát triển mạnh mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, song do đặc thù điều kiện đất đai nên các mô hình vẫn ở quy mô nhỏ. Để khắc phục, ngoài cơ chế, chính sách, Hà Nội đã quy hoạch 9 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với kỳ vọng tạo đột phá trong thời gian tới.

 090519 phat trien cnc 1

Ứng dụng công nghệ cao vào phát triển cây trồng tại Công ty cổ phần Đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao Toàn Cầu (xã Phương Đình, huyện Đan Phượng). Ảnh: Bá Hoạt


Hiệu quả đã rõ, nhưng còn nhiều vướng mắc

Nhà kính trồng dưa lưới của hộ gia đình anh Bùi Văn Chung ở thôn Bãi Hạ (xã Hồng Quang, huyện Ứng Hòa) là một trong 4 mô hình phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hình thành đầu năm 2019. Với quy mô 6.200m2, mô hình này sử dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, quy trình từ ươm giống, xuống giống, chăm sóc, thu hoạch đều được quản lý, giám sát chặt chẽ. Bên cạnh đó, hệ thống nhà kính giúp ổn định nhiệt độ và ánh sáng, bảo đảm điều kiện tốt nhất cho cây sinh trưởng và phát triển. “Mô hình đã tạo ra sản phẩm chất lượng cao, có thể đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu nếu mở rộng về quy mô và xây dựng được thương hiệu” - anh Bùi Văn Chung tự tin chia sẻ.

Hiện, mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như của anh Bùi Văn Chung đang phát triển mạnh tại nhiều huyện ngoại thành Hà Nội. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Trần Công Thành, trên địa bàn huyện đã có 27 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, với mức đầu tư từ 1 tỷ đồng đến 5 tỷ đồng/ha tùy lĩnh vực trồng trọt hay chăn nuôi... "Tuy mức đầu tư lớn, nhưng bù lại, chất lượng sản phẩm tốt, được người tiêu dùng đón nhận; các mô hình đều đem lại thu nhập khá cho người dân từ vài trăm triệu đồng/mô hình/năm trở lên, thậm chí có mô hình cho thu nhập lên đến vài tỷ đồng/ha/năm..." - ông Trần Công Thành chia sẻ. Tương tự, tại các huyện: Quốc Oai, Mê Linh, Thạch Thất... số hộ dân trồng cây ăn quả, hoa cảnh, cây cảnh... ứng dụng công nghệ cao cũng có thu nhập từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng/ha/năm. Tính chung trên địa bàn thành phố hiện đã có 131 mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đi vào hoạt động.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, việc phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn Hà Nội vẫn còn nhiều vướng mắc. Trong đó khó khăn lớn nhất là thiếu nguồn vốn đầu tư và lúng túng trong tập huấn, chuyển giao công nghệ, lựa chọn công nghệ, mô hình phù hợp... Ông Nguyễn Xuân Đại, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, so với các tỉnh, thành phố có nhiều năm ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp như: Thành phố Hồ Chí Minh, Lâm Đồng... các mô hình nông nghiệp công nghệ cao của Hà Nội có quy mô nhỏ hơn, phổ biến từ 0,5ha đến 2ha; rất ít mô hình có quy mô 5ha. 

Nguyên nhân chính do đặc thù đất đai Thủ đô hạn chế; mặc dù công tác dồn điền đổi thửa của Hà Nội đã đạt nhiều kết quả khả quan song để tích tụ ruộng đất, hình thành các mô hình nông nghiệp công nghệ cao quy mô lớn (từ 10ha trở lên) vẫn hết sức khó khăn. Mặt khác, nếu thực hiện việc giải phóng mặt bằng, giao đất sạch cho doanh nghiệp làm dự án nông nghiệp công nghệ cao (như đã giao cho các dự án đô thị, giao thông, công nghiệp...) thì mức đầu tư cơ sở hạ tầng ban đầu đã lên tới hàng chục tỷ đồng/ha, chưa tính các đầu tư sản xuất khác... "Bởi vậy, tại Hà Nội, rất ít doanh nghiệp, hợp tác xã, cá nhân... đủ tiềm lực tích tụ ruộng đất quy mô lớn cho nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao..." - ông Nguyễn Xuân Đại nói.

Tận dụng lợi thế, chọn mô hình phù hợp
 

 090519 phat trien cnc 2

Mô hình trồng rau ứng dụng công nghệ cao tại Hợp tác xã Nông nghiệp Thanh Đa (huyện Phúc Thọ). Ảnh: Bá Hoạt


Là địa phương xây dựng thành công nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao, Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Hữu Hoàng chia sẻ: "Kinh nghiệm khắc phục vấn đề tích tụ ruộng đất là vận động nông dân hợp tác “nhiều vùng nhỏ cộng lại thành vùng lớn”; đồng thời, cùng sản xuất một sản phẩm thế mạnh. Mặt khác, việc chuyển giao khoa học công nghệ thực hiện thông qua các chương trình khuyến nông, bảo vệ thực vật... để nông dân dễ tiếp cận, nhanh chóng nắm bắt quy trình sản xuất hiện đại".

Còn theo TS Nguyễn Thị Tân Lộc - Viện Nghiên cứu rau quả, trước hết nông dân phải thay đổi tư duy sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, có như vậy mới biết liên kết phát triển được sản xuất lớn. Cùng với đó, người sản xuất còn phải hiểu thị trường, luôn biết thay đổi để thích ứng với thị trường. Đây không phải là việc một sớm một chiều mà đòi hỏi quá trình, với nhiều sự tác động. 

Theo Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là hướng phát triển tất yếu của nông nghiệp Thủ đô, đặc biệt khi Hà Nội tận dụng lợi thế là trung tâm khoa học công nghệ hàng đầu của cả nước. Song trước mắt, thành phố khuyến khích các địa phương đầu tư mô hình ứng dụng công nghệ cao theo quy mô vừa nhằm phù hợp với nguồn lực và dễ nhân rộng... Sau đó, các địa phương tham khảo, rút kinh nghiệm, tìm cách thức xây dựng mô hình nông nghiệp công nghệ cao ở quy mô lớn hơn.

Liên quan đến nguồn vốn và các chính sách hỗ trợ của thành phố, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, cuối năm 2018, HĐND thành phố Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 10/2018/NQ-HĐND về một số chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; xây dựng hạ tầng nông thôn thành phố Hà Nội. Theo đó, từ ngày 1-1-2019, một số cơ chế như hỗ trợ đào tạo nghề, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường... được triển khai. Đây được coi là giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn Hà Nội và đang được các địa phương đón nhận tích cực. Ngoài cơ chế, chính sách, ngành Nông nghiệp Hà Nội tiếp tục tập trung chỉ đạo tái cơ cấu ngành theo hướng phát triển sản xuất quy mô lớn gắn với lợi thế và thị trường; đẩy mạnh bảo quản, chế biến và tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị...

Về chiến lược dài hơi để thu hút doanh nghiệp lớn đầu tư, Giám đốc Sở NN&PTNT Chu Phú Mỹ thông tin thêm, Hà Nội đã quy hoạch 9 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và hệ thống các khu kinh tế hỗ trợ có quy mô từ 200ha đến 900ha/khu. Cùng với đó, Sở NN&PTNT Hà Nội phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội cùng Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài hỗ trợ tối đa về cơ chế, chính sách, phương thức, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao... Thành phố Hà Nội kỳ vọng các dự án nông nghiệp công nghệ cao quy mô lớn, của nhà đầu tư có tiềm năng sẽ tạo đột phá, dẫn dắt mô hình nông hộ, hợp tác quy mô nhỏ như hiện nay phát triển.
 

Năm 2019, Hà Nội đặt mục tiêu phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, chuyên canh tập trung, giá trị cao, bền vững và an toàn vệ sinh thực phẩm; phấn đấu tăng trưởng nông nghiệp đạt từ 2,5% đến 3%; trong đó mô hình ứng dụng công nghệ cao chiếm 35% trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp...

Nguồn: hanoimoi.com.vn

Tin mới

Các tin khác