Các sản phẩm rau – củ - quả không được dán nhãn VietGap liệu có an toàn?

In bài này

Dân trí Những loại rau – củ -quả không được dán nhãn “VietGap” liệu có đảm bảo an toàn để sử dụng? Cùng nghe chuyên gia giải đáp cho thắc mắc của không ít người tiêu dùng Việt, từ đó có cách nhìn nhận đúng đắn về loại tiêu chuẩn này!

VietGap là một trong những tiêu chuẩn được cấp cho các sản phẩm về nông nghiệp phổ biến nhất ở nước ta hiện nay. Ngay tại các siêu thị hay cửa hàng chuyên phân phối rau an toàn, có thể để ý thấy rằng có một số sản phẩm rau được dán nhãn VietGap và thường là sẽ có giá cao hơn các mặt hàng cùng loại. Điều này đôi khi khiến người tiêu dùng băn khoăn về chất lượng và độ tin cậy của các loại rau không được chứng nhận loại tiêu chuẩn này.

Vậy với các sản phẩm rau không được dán nhãn VietGap ngay cả khi chúng được bày bán trong các cơ sở uy tín liệu có đảm bảo an toàn? Để trả lời cho câu hỏi này PV Dân Trí đã có buổi trao đổi với PGS.TS Đặng Văn Đông

190122 cac sp rau cu qua 1

PGS.TS Đặng Văn Đông- Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả.

Thế nào là tiêu chuẩn VietGap?

Để giải thích cho mọi người được rõ định nghĩa về tiêu chuẩn VietGap, PGS.TS Đặng Văn Đông cho biết : “VietGap là tên viết tắt của “Vietnamese Good Agricultural Practices” có thể dịch là “Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam”. Đây là một bộ quy chuẩn về quá trình sản xuất các sản phẩm nông nghiệp từ việc lựa chọn vùng trồng, nguồn đất, nguồn nước cùng các hướng dẫn sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật; các quy trình xử lý sau thu hoạch. Ngoài ra còn có các điều kiện về xử lý chất thải, an toàn lao động, truy nguyên nguồn gốc, xử lý và giải quyết khiếu nại của khách hàng… được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành từ ngày 28/1/2008”. 

190122 cac sp rau cu qua 2

Các sản phẩm rau VietGap thường có nguồn gốc từ những cơ sở sản xuất quy mô lớn, sử dụng công nghệ hiện đại.

 Vậy một sản phẩm rau được công nhận là đạt chứng chỉ VietGap phải đáp ứng các tiêu chuẩn đã được quy định trong bốn khía cạnh chính là:

- Kỹ thuật sản xuất.

- Vệ sinh an toàn thực phẩm.

- Môi trường làm việc cho người lao động.

-  Khả năng truy xuất nguồn gốc của sản phẩm sau khi bày bán trên thi trường.

Tiêu chuẩn VietGap được đưa ra nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo phúc lợi xã hội, sức khỏe cho người sản xuất và người tiêu dùng. Đồng thời bảo vệ môi trường và hướng đến một nền nông nghiệp bền vững.

Các sản phẩm rau không được dán nhãn VietGap liệu có an toàn?

Theo PGS.TS Đặng Văn Đông, một sản phẩm rau được công nhận là “rau an toàn” khi hàm lượng các hóa chất độc hại và các loại vi sinh vậy gây bệnh có chứa trong nó nằm ở một ngưỡng cho phép. Đối chiếu với tiêu chuẩn VietGap, ta có thể thấy ngoài việc đảm bảo được sản phẩm rau mà mình cung cấp là an toàn, nhà sản xuất còn phải đáp ứng các tiêu chí khắt khe về môi trường làm việc, khả năng truy xuất nguồn gốc… mà với các tiêu chuẩn này, những cơ sở sản xuất rau an toàn nhỏ lẻ như các hộ nông dân hay hợp tác xã nông nghiệp với phương phức canh tác thủ công khó có thể đáp ứng được.

 “Như vậy rõ ràng có rất nhiều sản phẩm rau an toàn nhưng vẫn không được công nhận chứng chỉ VietGap”- PGS.TS Đặng Văn Đông nhấn mạnh.    

190122 cac sp rau cu qua 3

Các hộ sản xuất rau an toàn nhỏ lẻ khó có thể đạt chứng chỉ VietGap.

Từ những kiến thức ở trên, ta có thể rút ra được một kết luận rằng: “Không nhất thiết cứ phải được công nhận tiêu chuẩn VietGap thì mới là một sản phẩm rau an toàn”. Vì vậy, người tiêu dùng có thể vẫn có thể yên tâm khi mua các mặt hàng rau sạch không được dán nhãn VietGap tại các cơ sở lớn và có uy tín trên thị trường.

Nguồn: dantri.com.vn

 

Tin mới

Các tin khác