Cam sành Hà Giang: Ứng dụng công nghệ để bảo vệ thương hiệu

In bài này

Hà Giang đã triển khai dán tem truy xuất nguồn gốc và đang xem xét sử dụng công nghệ blockchain để truy xuất và kiểm soát chuỗi cung ứng đối với cây ăn trái chủ lực là cam sành.

Từ năm 2016, loại quả ngọt này đã được đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Thế nhưng, giống như một số nông sản nổi tiếng khác, cam sành Hà Giang luôn phải đối mặt với vấn đề bị mạo danh, nhất là khi hiện nay, gần 90% sản lượng cam sành Hà Giang được tiêu thụ bởi các kênh ngoại tỉnh.

190114 cam sanh ha giang 1

Cam sành Hà Giang theo tiêu chuẩn VietGAP dán tem truy xuất nguồn gốc

Để bảo vệ thương hiệu, từ 2 năm nay, Hà Giang đã triển khai dán tem truy xuất điện tử do doanh nghiệp viễn thông VNPT Hà Giang cung cấp, lên từng quả cam. 

Ông Vũ Hoài Nam, trưởng phòng kinh doanh VNPT Hà Giang, cho biết, khác với sử dụng mã vạch thường dành cho cả một lô hàng như nhau, tem truy xuất sử dụng mã QR dán lên từng quả cam. Bằng cách đó, mỗi quả cam có một định danh duy nhất, có thể kiểm tra trên smartphone.

Ngoài ra, do in bằng chất liệu tem vỡ nên về mặt vật lý, mỗi tem chỉ có thể dùng một lần mà không thể tái sử dụng dán cho sản phẩm làm giả khác. 

Đồng thời, với mỗi sản phẩm được bán ra, sau khi mua, khách hàng có thể vô hiệu hóa thông tin của tem trên hệ thống, ngăn ngừa việc tái sử dụng tem vào mục đích làm giả. 

Khi quét mã, khách hàng cũng có thể tiếp cận những thông tin như tên sản phẩm, hộ sản xuất, số điện thoại, địa chỉ, giấy phép kinh, thành phần của sản phẩm,...

 190114 cam sanh ha giang 2

Mã QR trên cam Hà Giang và thông tin của sản phẩm khi quét mã

Năm 2017, với sự hỗ trợ của chính quyền tỉnh, VNPT Hà Giang đã cung cấp và kích hoạt trên 1,4 triệu tem QR code cho 35 doanh nghiệp, HTX trồng cam VietGAP tại 3 huyện Bắc Quang, Quang Bình và Vị Xuyên. 

Sang năm 2018, nhiều doanh nghiệp đã ý thức bảo vệ mình và tự chủ động đăng ký mua, nâng tổng số đơn vị sản xuất, tiêu thụ sử dụng tem tại Hà Giang lên đến 60 doanh nghiệp, số lượng tem sử dụng cũng lên đến vài triệu mã. Tuy nhiên, số lượng tem này mới chỉ đáp ứng khoảng 1-2% tổng lượng cam của tỉnh.

“Nếu những sản phẩm nông nghiệp tốt bị thả nổi thì sẽ rất dễ bị mất giá trị thương hiệu”, ông Vũ Hoài Nam nêu ý kiến, “Nhà nước nên xem xét việc quy định bắt buộc về truy xuất hàng hóa.”

Theo Báo Hà Giang, số liệu tổng kết cho năm 2017 chỉ ra sau khi có bao bì, tem, nhãn, giá cam Sành Hà Giang tăng từ 20 - 25%.

Bên cạnh việc dán tem, Hà Giang đang phối hợp với một công ty cung cấp giải pháp công nghệ để đánh giá khả năng triển khai công nghệ blockchain (chuỗi khối) trong giai đoạn 2019-2020. 

Những việc làm này đồng thời phục vụ 3 mục đích: kiểm soát chuỗi cung ứng cho người sản xuất, đảm bảo minh bạch thông tin cho người tiêu dùng và xây dựng cơ sở dữ liệu cho quản lý nhà nước. Về lâu về dài, theo ông Phạm Văn Duy, Phó Cục trưởng Cục chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT), cam Hà Giang sẽ phải hướng đến xuất khẩu. Việc số hóa và ứng dựng các công nghệ điện tử trong lĩnh vực nông nghiệp như trên là một bước đi cần thiết.

Tại “Hội nghị kết nối, tiêu thụ sản phẩm cam sành và đặc sản Hà Giang niên vụ 2018-2019” ngày 20/12/2018 tại Hà Nội, ông Nguyễn Văn Công, giám đốc công nghệ và đồng sáng lập công ty IMPRINT, đã trình bày khả năng áp dụng công nghệ blockchain cho việc truy xuất nguồn gốc cam Hà Giang. 

Theo ông, nếu người nông dân không thể kiểm soát được chuỗi cung ứng của mình – tức là không biết khi ra khỏi cửa vườn, quả cam sẽ đi đến đâu, vào tay ai, như thế nào – thì việc các tiểu thương tìm cách gian lận tem hay trộn lẫn sản phẩm là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Chừng nào con người vẫn có thể can thiệp được vào luồng thông tin thì chừng đó vẫn có nguy cơ nhái hàng hoặc cạnh tranh không lành mạnh với sản phẩm chính hãng.

Tuy nhiên, công nghệ Blockchain sẽ đòi hỏi tự động hóa quy trình và chi phí tốn kém hơn rất nhiều so với việc chỉ dán tem truy xuất. Khi đó, toàn bộ tất cả các khâu từ gieo trồng, chăm sóc, bón phân, thu hoạch, giao dịch mua bán, hợp đồng, vận chuyển,… đều phải được ghi lại cùng với dữ liệu thời gian; đồng nghĩa với việc không chỉ người nông dân mà còn toàn bộ nhà cung cấp vật tư, nhà máy chế biến, đơn vị vận chuyển, siêu thị, cửa hàng đều phải số hóa để tham gia vào chuỗi. Điều này cần thời gian và mỗi tác nhân tham gia phải có động lực rất lớn mới có thể xây dựng được.

Bởi vậy, trong tương lai, để có thể áp dụng những công nghệ như Blockchain hoặc Sàn giao dịch Thương mại Điện tử, "Hà Giang sẽ cần cố gắng tự động hóa nhiều nhất các công đoạn từ sản xuất đến thương mại dựa trên các thiết bị Intenet kết nối vạn vật (IoT)" - ông Công nhấn mạnh.

 190114 cam sanh ha giang 3

Ứng dụng Blockchain vào chuỗi sản xuất cung ứng nông sản

Được biết, sản lượng cam Hà Giang năm 2018 vào khoảng 62 nghìn tấn, chiếm khoảng 6% sản lượng cam cả nước; trong đó 56,64% sản lượng đạt tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt VietGAP. 

Từ ngày 19 - 25/12/2018, tại Khu Hội chợ triển lãm giao dịch Kinh tế và thương mại (số 489 Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội) diễn ra triển lãm quảng bá sản phẩm cam sành và đặc sản Hà Giang.

Nguồn: khoahocphattrien.vn

Tin mới

Các tin khác