Chăm sóc hoa đào thế nào để nở đúng Tết, lâu rụng cánh?

In bài này

SKĐS - Tùy vào thời tiết nóng hay lạnh mà có cách chăm sóc đào khác nhau, giúp kìm hãm hoặc thúc hoa nở nhanh hơn để thời điểm rộ hoa nhất phải là 3 ngày Tết Nguyên đán.

011723 cham so dao no dung tet 1

Hoa lê, hoa đào trái vụ sốt xình xịch, khách không ngại chi tiền triệu mua chơi

Nhiều người bán cho biết, rất nhiều khách đang ngày đêm ngóng chờ những cành lê to, cao khoảng 2-3 mét có giá 2-3 triệu đồng để mua về làm cảnh.

Hoa đào cũng cần được sưởi ấm nếu trời lạnh

PGS.TS Đặng Văn Đông, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả cho biết, trước kia cây hoa đào chỉ được trồng ở miền Bắc nhưng ngày nay cây hoa đào đã được di thực vào một số vùng ở miền Nam (Đà Lạt, Đồng Nai) và tỏ ra thích ứng, có khả năng phát triển ở cả những vùng đó.

Cây đào chỉ có giá trị và người trồng đào chỉ có hiệu quả kinh tế khi tạo ra được cây đào có sức sinh trưởng khỏe, tán cây, thân cây cân đối (đối với đào dáng) hoặc thế đẹp có ý nghĩa (đối với đào thế, đào bonsai) và đặc biệt là phải nở hoa vào đúng dịp Tết.

Chăm sóc để hoa đào nở đúng Tết không khó. Giai đoạn này cần quan sát nếu thấy đào có khả năng nở hoa muộn thì phải thúc, ngược lại đào có khả năng nở hoa sớm thì phải hãm.

011723 cham soc dao no dung tet 2

Đối với đào chơi cành, nên tìm mua đào tơ, thân mập, nhiều cành dăm, mắt dầy, nhiều nụ.

TS Đông cho biết, đối với đào dùng để chơi cành, khi thu hoạch nên dùng cưa sắc để cưa cành, nếu chặt bằng dao sẽ làm lay gỗ đứt rễ không tốt. Đem đi xa nên tẩm bông ướt cho vào túi nilon áp vào gốc rồi buộc chặt để tiếp tục cung cấp nước nuôi cành hoa.

"Đối với đào thế, cần phải chú ý kỹ thuật đánh cây, tránh để cây bị đứt nhiều rễ hoặc vỡ bầu. Trong trường hợp mang đi xa nên đánh cây trồng vào chậu trước Tết 1 - 2 tháng, làm như vậy tỷ lệ cây sống hoa bền", TS Đông nói.

Người mua sau khi mua cành đào mang về nhà nên đốt gốc, đốt cành hay nhúng ngay vào chậu nước nóng già 70 – 80 độ C để nhựa của cành đào không chảy và các chất dinh dưỡng dự trữ nuôi hoa trong cành không thẩm thấu được ra ngoài, khi cắm vào lọ nên thay nước sạch 2 - 3 ngày/lần và mỗi lần thay nước cho 1 viên aspirin nhằm hạn chế vi khuẩn gây thối cành, tàn hoa.

"Nếu muốn đào nở nhanh hơn thì để trong phòng kín, thắp điện, đốt hương. Nếu muốn đào nở chậm lại cho nước đá vào bình, đặt ở chỗ thoáng khí, ban đêm mang ra ngoài ban công.

Đào trồng chậu thì cần thường xuyên tưới nước cứ khi nào thấy đất trên miệng chậu khô là phải tưới nước. Nhưng không nên tưới quá nhiều nước cho cây, cây sẽ bị úng, sinh ra khí độc thối rễ, cây sẽ nhanh bị chết.

"Không nên để chậu đào gần quạt hay chỗ có gió lùa vì sẽ làm đào mất nước nhiều dẫn đến rụng nụ và hoa sớm cũng không nên để đào chỗ quá tối vì sẽ không đủ ánh sáng cho đào quang hợp, mắt chồi sẽ bật, lá ra nhanh, màu sắc hoa bị nhạt, hoa nhanh tàn hoặc nụ hoa sớm rụng" PGS.TS Đặng Văn Đông nói

Phân biệt đào rừng và đào nhà

PGS.TS Đặng Văn Đông cho biết, hiện khái niệm đào rừng và đào nhà chưa được phân định rõ, dễ gây nhầm lẫn cho người mua. Đào rừng chính là cây mà người Tây Bắc thường gọi là cây hoa Tớ Dày hay một số nơi khác gọi là Mai Anh Đào. Đây không phải là loại cây để người ta đem về nhà chơi Tết vì chỉ cần chặt cành lìa khỏi cây một lúc là hoa sẽ héo.

Còn đào mà người dân thường chơi Tết vốn không phải loại cây rừng nhưng nó mọc ở trong rừng tự nhiên do người dân đi rừng ăn rồi vứt hạt hoặc do quá trình di chuyển bản, di chuyển chỗ ở nên trong rừng tự nhiên vẫn có nhiều cây đào. Thực tế đến nay đa số là đào người dân tự trồng ở nhà để bán, đào khai thác ngoài tự nhiên cực kỳ hiếm.

PGS.TS Đặng Văn Đông lưu ý một số yếu tố khi chọn mua hoa đào ngày Tết. Tuỳ theo không gian bày, lứa tuổi, sở thích mà người mua có thể chọn được cành đào theo ý muốn.

Người mua nên chọn đào cánh kép, cánh hoa dày, cành đào phải đều, to vừa phải, dăm đào nhỏ, có nhiều hoa và nụ. Nên chọn cây đào có gốc thẳng, thân đào chắc khoẻ. Theo ý kiến của nhiều người, một cành đào đẹp là từ những cành chính có nhiều cành nhỏ mọc ra phía ngoài tán, nụ hoa phân bố đều từ đầu tới cuối cành.

Đối với đào chơi cành, nên tìm mua đào tơ, thân mập, nhiều cành dăm, mắt dầy, nhiều nụ. Loại này không mang lá hoặc rất ít lá nên sự mất nước qua lá không có hoặc rất ít, do đó khi cắm đào vào bình chỉ cần đổ một ít nước cân đối trọng lượng để bình khỏi đổ.

TS Đông khuyên,  tuỳ theo không gian màu sắc trong phòng mà chọn cành đào hoặc cây đào cho phù hợp, nếu để trong không gian hẹp tối nên chọn cành đào hoặc cây đào nhỏ, màu sáng (đào Phai, đào Bạch). Ngược lại với không gian rộng, màu phòng sáng nên chọn cành đào, cây đào to, màu sẫm (đào Bích, đào Nhung).

Nguồn: suckhoedoisong.vn

Tin mới

Các tin khác