Ứng dụng công nghệ kết nối vạn vật (IoT) trong quản lý, giám sát sản xuất cho các hợp tác xã/tổ hợp tác sản xuất rau và hoa tại tỉnh Sơn La

Ở Việt Nam, diện tích đất nông nghiệp chiếm khoảng trên 27,3 triệu ha, sử dụng hơn 47% lực lượng lao động của quốc gia, họ chủ yếu là ở nông thôn và miền núi. Tỷ lệ người đang sinh sống ở nông thôn và miền núi chiếm tới gần 70% dân số của Việt Nam. Tuy nhiên, có thể thấy nền nông nghiệp nước ta về cơ bản vẫn là nền sản xuất thô sơ, chi phí nguyên liệu, năng lượng lớn (đất, nước, điện…) mà chất lượng sản phẩm chưa cao, hiệu quả lao động thấp... Một trong những giải pháp hiện nay chúng ta hướng tới là ứng dụng công nghệ IoT trong sản xuất nông nghiệp. Bằng cách ứng dụng các công nghệ IoT trong nông nghiệp đã làm thay đổi phương pháp canh tác truyền thống như ứng phó với hạn hán, tối ưu hóa năng suất, tính phù hợp đất đai, tưới tiêu và kiểm soát dịch hại .

Mộc Châu và Vân Hồ là hai huyện của tỉnh Sơn La, có khí hậu ưu đãi, đất đai màu mỡ, quỹ đất phát triển nông nghiệp còn nhiều. Tuy nhiên, tại đây cũng còn tồn tại nhiều khó khăn về địa hình như đất dốc, nước tưới không chủ động, một số lao động chuyển đổi đi làm công nhân,… dẫn tới khó khăn trong việc tưới tiêu, chăm sóc cây trồng. Cùng với đó là những khó khăn chung của hầu hết các hợp tác xã đó là những rủi ro trong sản xuất, khó khăn trong việc quản lý lao động, vận hành, kiểm soát quy trình sản xuất,… Vì vậy, ứng dụng công nghệ IoT tại đây là vô cùng cần thiết và sẽ mang lại hiệu quả rất tích cực, thuận lợi cho phát triển kinh tế trang trại là cơ sở để phát triển nông nghiệp thông minh, nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp rau, hoa đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Được sự tài trợ từ Aus4Equality, các đơn vị hỗ trợ thực hiện như GREAT, PMU Sơn La. Trong khuôn khổ thực hiện dự án: “Phát triển hệ thống sản xuất bảo quản và chế biến rau, hoa theo chuỗi giá trị có gắn với du lịch tại huyện Mộc Châu và Vân Hồ tỉnh Sơn La”. Viện Nghiên cứu rau quả đã liên kết với Công ty APPA GROUP là đơn vị thiết kế phần mềm và lắp đặt hệ thống ứng dụng công nghệ IoT trong sản xuất rau hoa tại Mộc Châu và Vân Hồ.

Kết quả đã lựa chọn đươc 10 địa điểm ứng dụng công nghệ tại Mộc Châu và Vân Hồ (trong đó: có 7 điểm sản xuất rau và 3 điểm sản xuất hoa) là HTX Nông nghiệp Hoàng Hải, HTX Nông nghiệp A Cao, HTX Nông nghiệp Dũng Tiến, HTX Nông nghiệp An Tâm, HTX Nông nghiệp Cao Sơn, HTX Nông nghiệp hữu cơ và kết nối cung cầu, tổ hợp tác Chiềng Đi, tổ hợp tác hoa Quỳnh Lợi, tổ hợp tác tiểu khu 14 để triển khai xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ IoT trong sản xuất.

Các đối tượng cây trồng được ứng dụng công nghệ IoT trong sản xuất cũng rất phong phú và đa dạng. Đối với cây hoa như hoa hồng, hoa cúc, địa lan. Đối với cây rau như cải bắp, cải thảo, đậu cove, su su, cà chua, dâu tây, bí xanh, cải bẹ, xà lách, cải canh, cải ngọt… Tổng diện tích các mô hình được ứng dụng công nghệ IoT đạt 20,4 ha. Với việc ứng dụng công nghệ đã đem lại sự tiện lợi trong quản lý trang trại của mình thông qua ứng dụng trên smartphone, người nông dân, dễ dàng điều khiển ở mọi nơi, mọi lúc. Đồng thời, tiết kiệm lượng nước tưới từ 20-40%, giảm 25-35% công lao động tưới nước và bón phân cho cây cho 1ha thông qua việc tưới phù hợp.

Chăm sóc cây trồng theo quy trình đã được chuẩn hóa trên hệ thống IoT giúp người sản xuất canh tác chính xác nâng cao năng suất cây trồng, giảm đáng kể việc sử dụng thuốc trừ sâu và phân bón. Các sản phẩm tạo ra sạch hơn. Từ đó, tăng thu nhập cho các hộ dân từ 10-30%. IoT trong nông nghiệp  đã cho phép nông dân theo dõi sản phẩm nhanh, chi tiết và dự đoán các vấn đề trước khi chúng xảy ra, giúp người nông dân chủ động hơn khi đưa ra các phương án phòng tránh rủi ro. Quản lý dữ liệu chuyên nghiệp lưu trữ và truy xuất dữ liệu quá trình sản xuất.

Các mô hình ứng dụng công nghệ IoT trong sản xuất rau, hoa đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt so với không ứng dụng công nghệ IoT. Với mô hình sản xuất hoa cúc chất lượng cao với quy mô 1 ha (trong 1 vụ) thu được hiệu quả từ mô hình ứng dụng công nghệ IoT đạt lợi nhuận 291,2 triệu, giá trị doanh thu tăng 90 triệu so với mô hình không ứng dụng IoT và giá trị thu nhập tăng 86,7 triệu. Tỷ lệ tăng thu nhập là 42,4%. Với mô hình sản xuất cải bắp với quy mô 1 ha (trong 1 vụ) thu được hiệu quả từ mô hình ứng dụng công nghệ IoT đạt lợi nhuận 11,4 triệu, giá trị doanh thu tăng 5 triệu đồng so với mô hình không ứng dụng IoT và giá trị thu nhập tăng 4,467 triệu. Tỷ lệ tăng thu nhập là 39,18%.

Việc ứng dụng công nghệ đã thay đổi phương thức canh tác truyền thống, cảm tính "trông trời, trông đất, trông mây, trông mưa, trông nắng, trông ngày, trông đêm”, nhờ hệ thống cảm biến phản ánh chính xác được độ ẩm, ánh sáng, nhiệt độ… giải phóng sức lao động cho người nông dân để họ có thời gian tham gia các hoạt động xã hội, nâng cao nhận thức và chất lượng cuộc sống. Phương pháp bón phân, phun thuốc BVTV đúng lúc, đúng cách đã làm giảm tình trạng ô nhiễm môi trường, nâng cao sức khỏe cộng động. Tiết kiệm được nguồn tài nguyên như nước tưới, đất canh tác, năng lượng…

Bên cạnh những kết quả nêu trên, ứng dụng công nghệ IoT trong sản xuất rau, hoa cũng gặp những khó khăn, thách thức như: chi phí đầu tư ban đầu lớn, trình độ dân trí còn thấp hạn chế trong quá trình tiếp nhận công nghệ; diện tích canh tác còn nhỏ lẻ; thiếu sự liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp.

Để nhân rộng mô hình, cần có những lớp đào tạo, tập huấn và thăm quan mô hình ứng dụng công nghệ IoT thành công để nâng cao nhân thức của người dân. Bên cạnh đó cần có chính sách hỗ trợ vay vốn cho người dân để mạnh dạn đầu tư ứng dụng công nghệ IoT vào sản xuất và hỗ trợ khâu kết nối các doanh nghiệp với nông dân.

               

Hình ảnh mô hình ứng dụng công nghệ IoT tại Mộc Châu và Vân Hồ

081021 ung dung lot 1

081021 ung dung lot 2

081021 ung dung lot 3

081021 ung dung lot 4

081021 ung dung lot 5

081021 ung dung lot 6

081021 ung dung lot 7

081021 ung dung lot 8

 

Đặng Văn Đông, Chu Thị Ngọc Mỹ

Lê Như Thịnh, Nguyễn Xuân Điệp

Nguồn: Viện Nghiên cứu Rau quả

 

Trang thông tin điện tử của Viện nghiên cứu Rau quả
Địa chỉ : Thị trấn Trâu Quỳ - Gia Lâm - Hà Nội
Điện thoại : 84-024.38276254 - Fax : 84-024.38276148
Email : info@favri.org.vn Website : http://favri.org.vn

Top