Những yếu tố ảnh hưởng đến năng suất của giống vải Trứng Hưng Yên – Biện pháp hạn chế

vai trung 1

                Giống vải Trứng Hưng Yên là loại quả đặc sản của tỉnh Hưng Yên, đã và đang là thương hiệu tiêu biển của nông nghiệp tỉnh Hưng Yên nói chung, huyện Phù Cừ nói riêng. Giống có nhiều đặc điểm quý như: sinh trưởng khỏe, quả to, chất lượng tốt, mã quả đẹp và bền mầu, được người tiêu dùng ưa chuộng, giá bán cao và ổn định (70 - 100 ngàn đồng/kg) nên mang lại giá trị kinh tế cao cho người trồng. Giống đã được Viện Nghiên cứu Rau quả phối hợp cùng Sở NN&PTNT công bố lưu hành theo Quyết định số 95/QĐ-TT-CCN, ngày 6 tháng 5 năm 2021 của Bộ NN&PTNT.

1. Nguồn gốc,đặc điểm nông sinh họcchínhcủa giống vải Trứng Hưng Yên

1.1. Nguồn gốc

                Vải Trứng Hưng Yên (Litchi chinensis) có nguồn gốc từ cây vải trồng bằng hạt (trên 150 năm) tại nhà ông Nguyễn Văn Diệm ở thôn Ba Đông, xã Phan Sào Nam, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên. Giống hiện được lưu giữ tại: (1) Hộ gia đình ông Nguyễn Văn VìThôn Ba Đông, xã Phan Sào Nam, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên; (2) Trung tâm giống Nông nghiệp tỉnh Hưng Yên ở thị trấn Trần Cao, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên; (3) Viện Nghiên cứu Rau quả ở thị trấn Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội.

1.2. Đặc điểm nông sinh học chính

                Một số đặc điểm nông sinh học chính của giống vải Trứng Hưng Yên được mô tả và minh họa ở bảng sau:

Đặc điểmnông sinh học chính của giống vải Trứng Hưng Yên

TT

Tính trạng

Trạng thái biểu hiện

1

Đặc điểm thân(cây 12 - 15 tuổi)

 
 

Hình dạng tán

Cây có dạng bán cầu hoặc hình trụ

 

Chiều cao cây (m)

7,09 ± 0,48

 

Đường kính tán (m)

7,28 ± 0,44

 

Chu vi gốc (cm)

27,18 ± 0,67

2

Đặc điểm lá

 
 

Dài lá kép (cm)

10,86 ± 2,29

 

Rộng lá kép (cm)

17,13 ± 3,35

 

Số lá chét/kép

6,83 ± 0,94

 

Dài lá chét (cm)

14,45 ± 1,82

 

Rộng lá chét (cm)

4,56 ± 0,57

 

Tỷ lệ chiều dài/chiều rộng lá chét

3,17

 

Dài cuống lá chét (cm)

0,39 ± 0,07

 

Số đôi gân chính

9,50 ± 1,48

3

Thời gian ra hoa và đặc điểm hoa

 
 

Thời gian bắt đầu xuất hiện giò hoa

15/1

 

Thời gian bắt đầu nở hoa

27/2 - 1/3

 

Thời gian hoa nở rộ

10/3

 

Thời gian nở hoa cái

16/3

 

Thời gian kết thúc nở hoa

19 - 22/3

 

Thời gian từ bắt đầu nở đến kết thúc nở hoa (ngày)

20 - 21

 

Chiều dài chùm hoa (cm)

33,94 ± 4,78

 

Chiều rộng chùm hoa (cm)

33,75 ± 5,77

 

Số nhánh/chùm (nhánh)

5,43 ± 1,39

 

Tổng số hoa/chùm

2.237,25± 425,91

 

Tỷ lệ hoa đực (%)

92,71

 

Tỷ lệ hoa cái (%)

7,29

4

Năng suất

 
 

Cây 5 - 7 tuổi

25 – 50 kg

 

Cây 8 - 15 tuổi

60 – 70 kg

 

Cây ≥ 15 tuổi

80 - 150 kg

5

Đặc điểm quả

 
 

Khối lượng trung bình quả

45,2 - 55,3g

 

Khối lượng hạt

3,55 - 4,89g

 

Tỷ lệ phần ăn được

≈ 80 %

 

Độ brix (%)

18,7 %

 

Đường tổng số

11,64 %

 

Chất khô (%)

17,22

 

A xít tổng số (%)

0,201

 

VTM C (mg/100 g)

35,56

 

Hình dạng quả

Trứng

 

Màu sắc vỏ quả

Đỏ tươi

 

Màu sắc cùi quả

Trắng trong không có vân nâu

 

Cấu trúc thịt quả

Giòn ráo

 

Hương vị

Ngọt thơm

Hình ảnh minh họa một số đặc điểm nông sinh học chính của cây vải Trứng Hưng Yên

vai trung 2

vai trung 3

Lá, nụ hoa vải Trứng Hưng Yên

vai trung 4

Hoa vải Trứng Hưng Yên

vai trung 5

Quả vải Trứng Hưng Yên

vai trung 6

Cây vải Trứng Hưng Yên

2. Những yếu tố chính ảnh hưởng đến năng suấtcủa vải Trứng Hưng Yên – Biện pháp hạn chế

2.1. Những yếu tố chính ảnh hưởng đến năng suất

                Mặc dù có rất nhiều điểm quý như đã trình bày ở trên nhưng những năm trước đây diện tích vải Trứng Hưng Yênkhông phát triển do năng suất rất bấp bênh, chủ yếu được trồng ở xã Phan Sào Nam, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên với diện tích cây cho quả xấp xỉ 15 ha. Trước thực trạng trên, Viện Nghiên cứu Rau quả đã được Sở KH&CN tỉnh Hưng Yên giaonhiệm vụ nghiên cứu nguyên nhân của hiện tượng và biện pháp khắc. Từ kết quả nghiên cứu đã chỉ ra rằng: những yếu tố chính có ảnh đến năng suất của vải Trứng là:

                - Vải Trứng Hưng Yên có tỷ lệ hoa cái rất thấp, và,hoa cái chỉ bắt đầu nở khi hoa đực đã nở hết từ 1 đến 2 ngày. Thậm chí, có những năm, ở một số vườn, tỷ lệ hoa cái chỉ đạt từ 0,5-0,7%.

                - Khả năng giữ quả của vải Trứng Hưng Yên phụ thuộc rất lớn vào việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật, đặc biệt là công tác phòng trừ sâu bệnh hại ở giai đoạn ra hoa và đậu quả non. Với những cây vải không được áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật canh tác cơ bản như: bón phân, cắt tỉa, tưới nước và phòng trừ sâu bệnh hại sẽ dẫn đến việc phát triển không cân đối, cây cao, cành dày, nhỏ và yếu, sâu bệnh nhiều đặc biệt là các loại rệp, sâu đục quả và bệnh sương mai, thán thư gây hại mạnh trong giai đoạn ra hoa, đậu quả non sẽ có tỷ lệ đậu quả thấp, nếu có đậu cũng rụng quả hàng loạt.

2.2. Biện pháp hạn chế

                Việc xác định các yếu tố chính ảnh hưởng đến năng suất của vải Trứng Hưng Yên cho thấy: để nâng cao và ổn định năng suất cần giải quyết các vấn đề chính sau: (1) Hạn chế tác động của việc nở lệch pha giữa hoa đực và hoa cái trên cùng 1 cây; (2) Nâng cao tỷ lệ đậu quả; (3) Hạn chế việc rụng quả non. Kết quả nghiên của Viện Nghiên cứu Rau quả chỉ ra rằng: những biện pháp kỹ thuật sau được xem là có tác dụng rõ trong việc nâng cao và ổn định năng suất của vải Trứng:

- Nhân giống để mở rộng diện tích: Sử dụng nguồn vật liệu được khai thác ở những cây vải Trứng có năng suất cao, ổn định;

- Áp dụng triệt để Quy trình kỹ thuật mà Viện Nghiên cứu Rau quả đã ban hành. Đặc biệt chú ý các biện pháp kỹ thuật sau:

                +Cắt tỉa tạo tán:

                ++ Giai đoạn cây chưa cho quả: Tạo tán để hướng tới việc tạo cho cây vải có bộ tán cân đối và chiều cao cây thấp (không quá 3,5 m), thuận lợi cho áp dụng các biện pháp kỹ thuật khác.

                ++ Giai đoạn cây cho quả: Cắt tỉa 3 lần/năm. Lần 1 (Sau thu quả). Cắt bỏ các cành trong tán, cành tăm, cành sâu bệnh, cành mọc dày, cành trên đỉnh tán và cắt đầu cành để loại bỏ 70-80% bộ lá cũ. Lần 2 (cuối tháng 8 đầu tháng 9).Loại bỏ toàn bộ các cành mọc trên thân và tỉa bỏ cành nhỏ.Lần 3 (khi nhìn rõ chùm hoa) tỉa bớt cành hoa nhỏ, cành không có hoa mọc sát nhau, chỉ để lại những chùm hoa đều nhau, phân bố đều trên cây.

- Bón phân:

++ Giai đoạn cây chưa cho quả: bón từ 30-50 kg phân chuồng + 0,2-0,5 kg đạm urea + 0,5-1,5 kg phân supe lân + 0,2-0,5 kg phân kaliclorua/cây/năm. Toàn bộ lượng phân vô cơ được chia 4-5 lần bón, chủ yếu để thúc các đợt lộc, toàn bộ lượng phân chuồng được bón làm 1 lần vào cuối năm.

                ++ Giai đoạn cây cho quả:Lượng phân bón thời kỳ cho thu hoạch tính theo năng suất của cây, có thể điều chỉnh tăng, giảm theo năng suất thực thu. Một cây thu trung bình từ 60 - 80 kg quả bón: 50-70 kg phân chuồng (hoặc 5-10 kg phân Hữu cơ vi sinh) + 0,8 - 1,2 kg đạm urea + 1,5-2 kg phân supe lân + 1,0 - 1,5 kg phân kaliclorua/cây/năm. Toàn bộ lượng phân được chia làm 3 lần bón: Lần 1: bón trong vòng 10 ngày sau thu hoạch; Lần 2: bón thúc hoa khi hoa xuất hiện rõ; Lần 3: bón thúc quả khi quả có kích thước đạt 1,0-1,5 cm.

                Cách bón:Bón phân vô cơ: Khi thời tiết khô hạn thì hoà tan phân trong nước để tưới hoặc có thể rải phân trên mặt đất theo hình chiếu tán cây, sau đó tưới nước nếu đất ẩm.Bón phân hữu cơ: Đào rãnh xung quanh cây theo hình chiếu của tán với bề mặt rãnh rộng 20-30cm, sâu 20-25cm, rải phân hữu cơ xuống trước sau đố đến phân vô cơ, lấp đất và tưới nước giữ ẩm.

- Phòng trừ sâu bệnh hại:            

                Phòng trừ sâu bệnh hại chính theo hướng phòng trừ tổng hợp. Cụ thể, áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật sau: Biện pháp canh tác: đốn tỉa cành sâu bệnh, cành quá dày, đảm bảo tốt hệ thống tiêu nước,...; Biện pháp vệ sinh đồng ruộng: vệ sinh vườn thường xuyên, thu dọn mầm bệnh; Biện pháp cơ giới: diệt một số loại sâu bệnh bằng tay khi chúng bắt đầu phát sinh hoặc khi tỷ lệ hại còn thấp (sén tóc, sâu dóm, sâu ăn lá,...); Biện pháp hoá học: Phòng trừ các đối tượng gây hại quan trọng bằng các loại thuốc có nguồn gốc sinh học, chất dẫn dụ, pheromon,… hoặc thuốc hoá học chọn lọc khi cần thiết.

                Các đối tượng sâu hại chính và cách phòng trừ

Phòng trừ tổng hợp chung cho tất cả các loại sâu bệnh hại. Tuy nhiên, cần đặc biệt chú ý phòng trừ ở giai đoạn ra hoa, đậu quả và rụng quả non. Các loại sâu, bệnh hại cần chú ý là:

+ Bọ xít nâu:

                ++ Thời điểm phát sinh gây hại:Bọ xít qua đông trên cây vải, sau đó đẻ trứng và bọ xít non nở từ tháng 2-4. Chúng chích hút, gây hại các đợt lộc non, hoa, quả non và gây hại mạnh nhất vào tháng 4-6. Với mật độ cao bọ xít sẽ gây rụng quả non hàng loạt, gây thiệt hại đáng kể tới năng suất.

                ++ Phòng trừ: Áp dụng tổng hợp các biện pháp sau:Bắt bọ xít trưỏng thành qua đông vào các tháng 10-12 bằng cách rung cây hoặc bắt và thu gom lại cùng lúc cặt tỉa cành và tiêu hủy; Phun thuốc diệt bọ xít non bằng các loại thuốc có hoạt chất: Cypermethrin 250gr/l, Etofenprox 10%; Cypermethrin 250g/l,… Ví dụ như: Sherpa 25 EC, Trebon 10EC, Cyperkill 10EC.

+ Rệp hại hoa và quả non

++ Thời điểm phát sinh gây hại: 2, 3, 4 hàng năm

                ++ Phòng trừ: Sử dụng các loại thuốc ít ảnh hưởng đến hoa, quả non, có hoạt chất có hoạt chất như: Cypermethrin 250gr/l, Etofenprox 10%; Cypermethrin 250g/l . Nếu mật độ cao cần phun kép 2 lần, lần 1: khi rệp xuất hiện, lần 2: sau 5-7 ngày vào lúc chiều mát.

+ Sâu đục quả

                ++ Thời điểm phát sinh gây hại: Mỗi vụ quả, có hai lứa sâu gối nhau tạo hai cao điểm vào tháng 4-6. Trưởng thành đẻ trứng trên bề mặt lá, quả. Gây hại từ tháng 3 đến tháng 6.

                ++ Phòng trừ: Tạo cho vườn cây có độ thông thoáng, vệ sinh vườn, hạn chế lộc đông; tỉa bỏ quả bị sâu đục và nhặt quả rụng đem hủy làm giảm nguồn sâu; Phun thuốc phòng trừ vào các đợt trưởng thành vũ hóa rộ (các tháng 3, 4, 5), theo khuyến cáo của cơ quan bảo vệ thực vật ở địa phương và dừng phun thuốc trước thu hoạch ít nhất 15 ngày. Ưu tiên sử dụng các loại thuốc ít ảnh hưởng đến hoa, quả non, an toàn như các loại thuốc có nguồn gốc sinh học như Ema 5EC (dịch chiết từ cây khổ sâm, hoạt chất Matrine), Movento 150OD, Anboom 40EC; Các loại thuốc hóa học có hoạt chất Etofenprox (Trebon 10EC).

+ Bệnh sương mai

                ++ Thời điểm phát sinh gây hại:Bệnh gây hại từ thời kỳ ra hoa, đậu quả đến khi thu hoạch, nhưng nguy hiểm hơn cả là thời kỳ ra hoa đậu quả. Trời âm u, ẩm độ cao, mưa phùn thuận lợi cho bệnh phát sinh và gây hại. Bệnh gây hại chủ yếu trong thời gian cây ra hoa và kết quả là gây thối hoa, rụng quả hàng loạt hoặc tiếp tục gây hại trong thời kỳ thu hoạch gây khó khăn cho việc bảo quản và vận chuyển.

                ++ Phòng trừ: Tỉa cành tạo tán hàng năm sau mỗi vụ thu hoạch làm cho tán cây thông thoáng;Bón phân cân đối; Thường xuyên kiểm tra phát hiện sớm bệnh, khi bị bệnh phun các loại thuốc có hoạt chất Metalaxyl; Dimethomorph,… (VD: Phytocide 50WP, Ridomil Gold 68WG). Nếu trời âm u, ẩm độ cao, mưa phùn thuận lợi cho bệnh phát sinh và gây hại cần phun lần 2 sau khi đậu quả non.

+ Bệnh thán thư

++ Thời điểm phát sinh gây hại:: Bệnh phát sinh và gây hại nặng trong các tháng 4, 5.

                ++ Biện pháp phòng trừ:Cắt tỉa cành, tạo tán giúp cho cho cây thông thoáng; Bón phân cân đối; Khi thời tiết ấm và ẩm cần tiến hành phun các loại thuốc đặc hiệu có hoạt chất Metalaxyl; Dimethomorph,… phun lần 2 sau khi đậu quả non.

TS. Vũ Việt Hưng

Nguồn: Viện Nghiên cứu Rau quả

Trang thông tin điện tử của Viện nghiên cứu Rau quả
Địa chỉ : Thị trấn Trâu Quỳ - Gia Lâm - Hà Nội
Điện thoại : 84-024.38276254 - Fax : 84-024.38276148
Email : info@favri.org.vn Website : http://favri.org.vn

Top