Kết quả điều tra, đánh giá tình hình sản xuất và phát triển hoa trà tại Văn Giang-Hưng Yên

Hoa trà (Camellia japoniaca L.) có nguồn gốc từ một số nước Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc...là loài hoa đẹp thể hiện cho sự thanh cao, tinh khiết và mang đến may mắn cũng như tài lộc cho người chơi nên rất được ưa chuộng.

Xã Phụng Công, (Văn Giang, Hưng Yên) là địa phương có nghề truyền thống trồng hoa, cây cảnh nổi tiếng hàng trăm năm nay. Những năm 1985 - 2000, nhiều người dân Phụng Công đã đầu tư vào sản xuất hoa trà, ở giai đoạn cao điểm, mỗi năm người dân nơi đây đã nhân giống được hàng triệu cây trà và sản xuất hàng chục vạn cây trà thương phẩm, cung cấp cho thị trường, thu về hàng chục tỷ đồng/năm và lúc đó rất nhiều người Việt Nam chúng ta đều biết đến thương hiệu “ hoa trà Phụng Công”.

Từ năm 2018, thực hiện đề tài “Nghiên cứu duy trì và phát triển một số giống hoa trà ở Phụng Công, Văn Giang, Hưng Yên (Camellia japoniaca L.), Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Hoa, Cây cảnh – Viện Nghiên cứu Rau quả đã tiến hành điều tra thực trạng sản xuất hoa trà tại huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên.

1. Tình hình nghiên cứu về hoa trà tại Việt Nam

Theo kết quả điều tra của Viện Nghiên cứu Rau quả 2019, tổng diện tích canh tác hoa của huyện Văn Giang (không kế cây quất) là 676,5ha, và tổng số diện tích gieo trồng hoa là 1.539,8 ha (chiếm 43,6%). Trong số các loại hoa thì diện tích hoa trà là 37,7 ha (chiếm 6.5%). Trong đó, riêng ở xã Phụng Công thì diện tích trồng trà là 19,4ha. Số còn lại chủ yếu được chia cho các xá như Long Hưng, Nghĩa Trụ và thị trấn Văn Giang.

2. Chủng loại các giống hoa trà tại Văn Giang – Hưng Yên

Theo kết quả điều tra sơ bộ, hiện nay ở xã Phụng Công có khoảng 200 hộ dân đang trồng với tổng số 12 giống hoa trà, trong các giống các giống hoa trà trên, có 3 giống trà được trồng nhiều nhất và rất được thị trường ưa chuộng đó là các giống trà phấn Cung Đình, trà Bạch và trà Thâm Hồng Bát Diện. Trong đó, Thâm Hồng Bát Diện là giống trà được ưa chuộng nhất, chiếm 70% diện tích sản xuất các giống hoa trà; trà Bạch và trà Phấn Cung Đình chiếm 10% về diện tích canh tác. Các giống còn lại được trồng với số lượng ít, nhiều giống trà quý hiếm đang có nguy cơ tuyệt chủng (trà Lựu).

072321 hoa tra 1

Trà Cung Đình hồng

Nguồn gốc: Việt Nam. Hoa màu phấn hồng, cánh kép, có nhị ở giữa hoa, lá bầu, xanh thắm, dày, ít răng cưa, hoa thường nở vào dịp Tết Nguyên Đán

 

072321 hoa tra 2

Trà Cung Đình đỏ

Nguồn gốc: Trung Quốc. Hoa màu đỏ, cánh kép, có nhị ở giữa hoa, lá xanh, nhọn, mỏng, ít răng cưa, hoa thường nở vào dịp Tết Nguyên Đán

 

Trà Thơm hồng

Nguồn gốc: Trung Quốc. Hoa màu hồng, cánh kép, lá xanh, dài nhọn, răng cưa sắc, hoa thường nở vào dịp Tết Nguyên Đán

 

Trà Phấn Bát Diện

Nguồn gốc: Trung Quốc. Hoa màu hồng, cánh kép, lá xanh, mỏng, to, ít răng cưa, hoa thường nở sau dịp Tết Nguyên Đán

 

Trà Bạch Trung Quốc

Nguồn gốc: Trung Quốc. Hoa màu trắng, cánh dày, kép, cánh xếp theo kiểu cung đình, lá tròn, xanh, ít răng cưa, không có nhị, hoa nở vào dịp Tết Nguyên Đán

 

Trà Bạch Việt Nam

Nguồn gốc: Việt Nam. Hoa màu trắng, cánh kép, lá dày, răng cưa sâu, sắc, hoa không có nhị, hoa nở vào dịp Tết Dương lịch

 

Trà Thâm Hồng Bát Diện

Nguồn gốc: Việt Nam. Hoa màu đỏ thẫm, bông to, cánh kép, cành dày, hoa bền, cánh hoa gồm 8 lớp đan xếp vào nhau rất đẹp, lá xanh, hơi tròn, ít răng cưa, dày, hoa thường nở vào dịp Tết Nguyên Đán

 

Trà phấn Nhật

Nguồn gốc: Nhật Bản. Hoa màu hồng tươi, cánh kép, có nhị ở giữa hoa, lá xanh, dày, tròn, ít răng cưa, hoa nở sau dịp Tết Nguyên Đán

 

Trà Bạch Nhị

Nguồn gốc: Việt Nam. Hoa màu trắng, cánh đơn, có nhị ở giữa hoa, cánh mỏng, lá mỏng ít răng cưa, không có nhị, hoa nở vào dịp Tết Nguyên Đán

 

Trà Lựu Cổ Nam Định

Nguồn gốc: Việt Nam. Hoa màu đỏ tươi, có điểm trắng, hồng ở cánh hoa, có nhị ở giữa hoa, cánh hoa dày, cánh kép, hoa rủ, thưa hoa, hay rụng cả bông, không bền, lá xanh vàng, lá to, ít răng cưa, vênh, hoa thường nở vào dịp Tết Nguyên Đán.

 

Trà Lựu Cổ Việt Nam

Nguồn gốc: Việt Nam. Hoa màu đỏ tươi, có điểm trắng ở cánh hoa, có nhị ở giữa hoa, cánh kép, xếp cuộn lại (xoáy lại), cấu trúc kiểu hoa lựu rủ, lá xanh đậm, lá to, ít răng cưa, vênh nhiều, hoa thường nở vào dịp Tết Nguyên Đán.

 

Trà Thâm Đơn

Nguồn gốc: Việt Nam. Hoa màu đỏ tiết dê, cánh đơn, có nhị ở giữa, lá mỏng ít răng cưa, hoa thường nở vào dịp tết Nguyên đán

3. Đặc điểm sinh trưởng, phát triển của các giống hoa trà tại Văn Giang - Hưng Yên

Thời điểm cây phát lộc: Tất cả các giống hoa trà đều phát lộc vào tháng 2 âm lịch hàng năm.

Thời điểm xuất hiện nụ: Giống trà Cung Đình Hồng và Cung Đình đỏ có thời điểm xuất hiện nụ sớm từ 15-20 tháng 5 âm lịch. Các giống trà khác có thời gian xuất hiện nụ từ 01-05 tháng 6 âm lịch.

Thời gian cây nở hoa: Giống trà Cung Đình hồng và Cung Đình đỏ có thời gian nở hoa từ 15-20 tháng 11 âm lịch. Các giống trà khác có thời gian nở hoa từ 01-05 tháng 12 âm lịch.

Cây hoa trà thường bị sâu bệnh hại nhiều từ tháng 7 đến tháng 10 âm lịch và bệnh hại nhiều vào tháng 2 làm ảnh hưởng không nhỏ đến đến năng suất và chất lượng hoa trà. Thời gian gần đây người dân cũng bắt đầu sử dụng các loại thuốc trừ sâu bệnh sinh học, vừa đảm bảo chất lượng hoa, vừa tránh ảnh hưởng đến sức khỏe của con người và môi trường.

4. Tình hình tiêu thụ các giống hoa trà tại Văn Giang – Hưng Yên

Xã Phụng Công nói riêng và huyện Văn Giang nói chung là làng hoa cây cảnh truyền thống, đã xây dựng được thương hiệu nên đây là lợi thế thu hút khách đến mua bán, nhờ đó mà thị trường tiêu thụ rất rộng trải dài từ Bắc vào Nam. Các sản phẩm hoa cây cảnh Văn Giang đã chiếm lĩnh thị trường khu vực Hà Nội và các tỉnh thành trong cả nước như Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Thanh Hóa, Nam Định, Nghệ An, các tỉnh vùng Tây Bắc và các tỉnh thành phía Nam. Đặc biệt với cây hoa trà cổ lâu năm thì thường được đặt mua hết từ tháng 8 âm lịch với giá cao nhất là khoảng 120 triệu đồng, cây trung bình là 50-70 triệu, còn loại bình dân dao động từ 20-35 triệu.

Đối với cây hoa trà 1 năm tuổi giá bán trung bình dao động từ 100.000 đ – 200.000 đồng trong đó giống trà Thâm Hồng Bát Diện được giá cao cơn 150.000 đồng – 200.000 đồng, các giống còn lại từ 100.000 đồng – 150.000 đồng hoặc 110.000 đồng – 180.000 đồng.

Tương tự đối với các cây hoa trà 3 năm tuổi, 5 năm tuổi cũng vậy, giống trà Thâm Hồng Bát Diện bao giờ cũng cho giá bán cao nhất. Đối với cây trà 10 năm tuổi, giống Thâm Hồng Bát Diện cho giá bán cao nhất 18.000.000 đồng - 20.000.000 đồng, các giống còn lại dao động trong khoảng 15.000.000 – 18.000.000 đồng

Bên cạnh đó, hàng năm huyện Văn Giang đều tổ chức lễ hội hoa, cây cảnh nhằm giới thiệu, thương mại các sản phẩm hoa, cây cảnh của địa phương đến bạn bè các vùng lân cận và trên cả nước. Đây là dịp để khách tham quan được thưởng thức, mua sắm các loại hoa cây cảnh đẹp, độc đáo và lạ mắt. Đồng thời, được giao lưu chia sẻ kinh nghiệm từ các nghệ nhân của các làng nghề về bí quyết chăm sóc  hoa cây cảnh và thú chơi tao nhã của người Việt mỗi khi Tết đến Xuân về./.

ThS. Mai Thị Ngoan; ThS. Phan Ngọc Diệp

Nguồn: Viện Nghiên cứu Rau quả

Trang thông tin điện tử của Viện nghiên cứu Rau quả
Địa chỉ : Thị trấn Trâu Quỳ - Gia Lâm - Hà Nội
Điện thoại : 84-024.38276254 - Fax : 84-024.38276148
Email : info@favri.org.vn Website : http://favri.org.vn

Top