Tính đường dài cho "thủ phủ" chuối xuất khẩu

In bài này

H.Trảng Bom là địa phương trồng chuối cấy mô lớn nhất tỉnh, hơn 3 ngàn ha. Từ nhiều năm trước, chuối cấy mô đã trở thành cây trồng chủ lực của địa phương và được đầu tư phát triển cả về quy mô lẫn chất lượng sản phẩm. Chuối cây mô hiện tại chủ yếu được xuất bán sang Trung Quốc và tiêu thụ nội địa. Một số ít được xuất khẩu sang Hàn Quốc, Nhật Bản, thông qua các đơn vị ủy thác hoặc đối tác trung gian.

 30420 tinh duong dai 1

Vùng chuyên canh chuối tại xã Bàu Hàm, H.Trảng Bom. Ảnh: B.Mai

Thời gian gần đây, H.Trảng Bom đẩy mạnh liên kết theo hướng mời gọi doanh nghiệp đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu lớn, mở rộng thị trường xuất khẩu chuối, giúp tăng giá trị và lợi nhuận cho người nông dân, hạn chế rủi ro đầu ra.

* Đầu tư cho vùng sản xuất

Vài năm nay, diện tích cây chuối cấy mô trên địa bàn H.Trảng Bom không ngừng tăng. Nguyên nhân là do so với các loại cây trồng khác, cây chuối cấy mô có nhiều lợi thế, chẳng hạn thời gian từ khi trồng đến thu hoạch nhanh, chỉ mất khoảng 8 tháng. Trong trường hợp loại cây này không phù hợp hoặc giá xuống quá thấp thì có thể dễ dàng chuyển sang trồng các loại cây trồng khác. Quan trọng hơn, lợi nhuận cây chuối cao hơn nhiều so với cây ăn quả và cây công nghiệp. Theo tính toán của người trồng, năng suất trung bình của loại cây này đạt 50 tấn/ha. Với giá bán 10 ngàn đồng/kg chuối tươi, người nông dân lãi khoảng 300 triệu đồng/ha.

Chuối là cây trồng chủ lực ở H.Trảng Bom, với diện tích hơn 3 ngàn ha, gần bằng 50% diện tích trồng chuối toàn tỉnh. Chuối được trồng nhiều tại các xã: Thanh Bình, Bàu Hàm, Sông Thao... Hiện tại các xã có diện tích chuối lớn đều đã thành lập tổ hợp tác, HTX chuối nhằm tạo liên kết để mời gọi doanh nghiệp đầu tư và tìm kiếm đầu ra. Khoảng 70% chuối của địa phương đang được thương lái thu mua xuất khẩu sang Trung Quốc. Số còn lại tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sang một số nước châu Á, châu Âu.

Ông Lý Minh Hùng, Giám đốc HTX Thanh Bình cho rằng, cây chuối phù hợp với thổ nhưỡng địa phương và có nhiều lợi thế xuất khẩu. Hiện tại, HTX Thanh Bình có 10 thành viên với tổng diện tích 70ha, ngoài ra HTX bao tiêu đầu ra cho hơn 100ha chuối khác. “Thời gian tới HTX sẽ đẩy mạnh liên kết với các hộ nông dân để có nguyên liệu chế biến chuối khô và xuất khẩu chuối tươi sang các nước. Chúng tôi đã có đầu ra, có máy móc sản xuất. Chúng tôi cần địa phương, các sở, ngành hỗ trợ để HTX sớm hoàn thiện các thủ tục pháp lý liên quan” - ông Hùng cho biết.

Phòng Kinh tế H.Trảng Bom cho biết, từ mô hình thí điểm, địa phương cho triển khai đại trà với mục tiêu hình thành nên vùng sản xuất lớn, tiện lợi cho đầu tư sản xuất cũng như mời gọi doanh nghiệp đầu tư. Được phê duyệt dự án cánh đồng lớn cây chuối, địa phương đã tích cực vào cuộc hỗ trợ nông dân chuyển đổi cây trồng; vận động nông dân chuyên môn hóa trong sản xuất nông nghiệp và tuân thủ quy trình sản xuất sạch; tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc và kiểm soát dịch bệnh. Cùng với đó, huyện đẩy mạnh đầu tư hệ thống điện, giao thông tạo điều kiện cho sản xuất và vận chuyển nông sản; kêu gọi các doanh nghiệp, HTX bắt tay cùng đầu tư vào cánh đồng lớn cây chuối.

* Hướng tới xuất khẩu

Nhờ quy hoạch và đầu tư cho vùng sản xuất tập trung cây chuối, thời gian qua, một số doanh nghiệp, HTX trong và ngoài tỉnh đã và đang hợp tác làm ăn lâu dài với nông dân. Điều này mở ra hướng đi mới cho người trồng chuối ở địa phương, đó là liên kết, chế biến sâu thay vì xuất khẩu tươi vào một thị trường tiềm ẩn nhiều rủi ro về giá cả.

30420 tinh duong dai 2 

Nông dân chăm sóc chuối tại xã Bàu Hàm, H. Trảng Bom. Ảnh: B.Mai

Ông Nguyễn Văn Thuật, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bàu Hàm cho biết, từ một xã không có chuối, đến nay địa phương phát triển được khoảng 800ha chuối. Dự kiến trong năm nay sẽ tăng thêm từ vài chục đến 100ha chuối do còn quỹ đất chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả. Hội Nông dân xã sẽ hỗ trợ nông dân chuyển sang trồng chuối, bưởi sạch hướng tới xuất khẩu theo định hướng của huyện.

Cũng theo ông Thuật, 2 năm gần đây, nhiều thương lái đã chủ động tìm đến nhà vườn đặt vấn đề thu mua thường xuyên, giá cả tuân theo thị trường. “Trước đây thương lái thu mua chuối xuất khẩu theo số lượng đối tác yêu cầu, do đó thường xuyên xảy ra tình trạng nông dân phải tự bán hoặc bán rẻ lúc rộ vụ. Hiện tại họ đã đầu tư 4 kho lạnh để dự trữ chuối, trong trường hợp nhà vườn dội hàng hoặc giá chuối xuống quá thấp, họ vẫn thu mua chuối tươi đưa về kho lạnh bảo quản. Do đó, đầu ra có phần ổn định hơn” - ông Thuật chia sẻ.

Tuy chưa làm thủ tục công nhận đủ tiêu chuẩn GAP trong nông nghiệp nhưng vườn chuối của ông Thó Cún Sầu, ấp Tân Hợp, xã Bàu Hàm  đã được một doanh nghiệp tại TP.HCM thu mua xuất khẩu trái tươi sang Hàn Quốc.

Ông Sầu cho biết, thời gian đầu ông cũng làm chuối như các nhà vườn khác, nhưng nhờ chăm sóc tốt nên mẫu mã đẹp, trái to, thương lái vào tận vườn thu mua. Có lần thương lái hỏi chuối được bao nhiêu ngày tuổi làm ông ngớ người. Sau lần đó, trên từng vườn chuối, ông đều chia thành các lô nhỏ. Trên mỗi lô đều có nhật ký ngày xuống giống, bón phân, trổ buồng. Các loại phân, thuốc cũng được ông cẩn thận ghi chép lại, chụp hình gửi cho thương lái theo sự hướng dẫn. Đến ngày thu hoạch, ông không cần gọi điện thương lái cũng biết đến thu mua.

Ông Lý Minh Hùng, HTX Thanh Bình cho rằng chuối trồng trên đất Trảng Bom cho chất lượng tốt. Thực tế HTX đã đi chào hàng và biết được thị trường Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nước Trung Đông rất lớn, nhiều cơ hội xuất khẩu. Vấn đề hiện nay là người nông dân phải chủ động thay đổi, từ sản xuất nhỏ lẻ sang hợp tác, liên kết với doanh nghiệp,  HTX sản xuất hàng hóa; từ sản xuất theo kinh nghiệm truyền thống sang ứng dụng khoa học kỹ thuật để tiết kiệm công, chi phí. Đừng vì lợi nhuận trước mắt mà cần đầu tư cho chất lượng để có sản phẩm tốt, giá cả tốt. “Khi thị trường hút hàng, nông dân sẵn sàng bán ra ngoài cho tư thương với giá cao khiến cho HTX, doanh nghiệp liên kết bị động nguyên liệu, điều này là không nên” - ông Hùng chia sẻ.

Nguồn: baodongnai.com.vn

Tin mới

Các tin khác