Chương trình OCOP tiếp sức cho đặc sản Nghệ An

In bài này

(Baonghean) - Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” được Chính phủ phê duyệt giai đoạn 2018 - 2020 và OCOP Nghệ An vừa được phê duyệt với nguồn vốn ngân sách 120 tỷ đồng sẽ là cơ hội để nhiều sản phẩm đặc sản của Nghệ An được chắp cánh trong thời gian tới nếu có cách làm và bước đi thích hợp.

ĐẶC SẢN GẶP KHÓ

Những năm gần đây, xã Kim Liên (Nam Đàn) mở rộng diện tích trồng sen trên những vùng đầm lầy, ruộng sâu trũng kém hiệu quả. Ngoài mục đích tạo cảnh quan thiên nhiên đặc trưng của quê Bác - Làng Sen thì những hộ trồng sen nơi đây còn hướng đến là chế biến các sản phẩm giá trị từ cây sen.

Năm 2018, HTX Sen quê Bác ra đời với 7 thành viên, ngành nghề kinh doanh chủ yếu là trồng và chăm sóc, cung ứng các giống sen; chế biến sâu các sản phẩm về sen, gồm: Các loại trà sen (trà hoa sen, trà lá sen...), nhóm sản phẩm từ hạt: hạt sen tươi, hạt sen sấy khô, sữa hạt sen; kim chi sen, củ sen muối; hương sen... 

100919 chuong trinh ocop 1

Đóng gói trà sen phục vụ khách du lịch.

Anh Phan Kim Tiến, thành viên HTX Sen quê Bác cho biết: “Hiện tại, có 5 sản phẩm chủ lực từ sen của HTX được lựa chọn để tham gia Chương trình OCOP. Trong đó, có 2 sản phẩm đang xây dựng hướng đến xuất khẩu là kim chi sen và trà sen”.

HTX Sen quê Bác đã đầu tư hệ thống máy móc chế biến sâu các sản phẩm từ cây sen: máy sấy, máy hấp, máy ủ, máy đóng bao bì, máy hút chân không... Tất cả các sản phẩm từ sen được đóng gói đẹp mắt, có nhãn mác đầy đủ. Hiện các mặt hàng chế biến từ sen đã có mặt ở khá nhiều các nhà hàng, khách sạn và các siêu thị.
Mặc dù trong thời gian qua, các sản phẩm chế biến từ sen của HTX Sen quê Bác được thị trường đón nhận tích cực. Tuy nhiên, các sản phẩm của HTX vẫn còn mang tính chất manh mún, nhỏ lẻ, chưa đủ sức đáp ứng nguồn cầu của thị trường.

100919 chuong trinh ocop 2

Tách hạt sen tươi, một khâu trong chế biến sen.

Nguyên nhân là do thiếu nguyên liệu đầu vào. Hiện nay, diện tích sen ở Kim Liên rất khiêm tốn, để có nguyên liệu chế biến, HTX phải liên kết với các hộ dân chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng sen. HTX hỗ trợ giống, kỹ thuật chăm bón và bao tiêu sản phẩm, song việc liên kết này thiếu ổn định, không bền vững nên việc chế biến các sản phẩm từ sen theo quy mô lớn rất khó khăn.

Bên cạnh đó là vấn đề vốn để đầu tư dây chuyền, máy móc, thiết bị hiện đại, đồng bộ để chế biến sâu các sản phẩm từ sen; vấn đề xây dựng thương hiệu cho sản phẩm cũng gặp không ít khó khăn. Do đó, hiện nay, HTX đang sản xuất quy mô nhỏ lẻ, tiêu thụ theo các mối quen biết chứ chưa có sự đầu tư bài bản về việc quảng bá, giới thiệu và xúc tiến thương mại cho sản phẩm sen quê Bác vươn xa. 

Được lựa chọn là một trong những sản phẩm chủ lực của địa phương tham gia Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, sản phẩm sắn dây, tinh bột nghệ Nam Anh (Nam Đàn) đã đầu tư hệ thống máy móc nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo tiêu chí về ATVSTP.

100919 chuong trinh ocop 3

Sản xuất bột sắn dây ở Nam Anh, Nam Đàn. Ảnh: Huy Thư

Ông Hồ Viết Sỹ - Chủ tịch UBND xã Nam Anh cho biết: “Thời gian qua, được sự hỗ trợ từ Dự án “Đa dạng hóa sinh kế dựa vào di sản ở các làng nông, ngư nghiệp” của tổ chức JICA, 15 hộ tham gia HTX tinh bột sắn, tinh bột nghệ Nam Anh đã đổi mới tư duy sản xuất, cho ra đời các sản phẩm từ sắn dây đạt chuẩn, tạo đà để nâng cao chất lượng, xây dựng và gắn sao để sản phẩm bột sắn dây vươn ra thị trường xuất khẩu”.

Tuy nhiên, cái khó hiện nay của sản phẩm sắn dây là vấn đề xúc tiến, quảng bá giới thiệu sản phẩm, tìm đầu ra ổn định trên thị trường; vấn đề cạnh tranh với sản phẩm cùng loại ở các địa phương khác như Hà Nội, Đà Nẵng, Bình Định... nên các sản phẩm của Nam Đàn vẫn chưa “cất cánh” được. 

Tương tự, sản phẩm trám đen Thanh Chương dù đã có thương hiệu, được cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu và sở hữu trí tuệ, công bố chất lượng, sản phẩm đã có mặt ở các siêu thị, chuỗi cửa hàng thực phẩm trong nước.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hữu Hiếu - Trưởng phòng Kỹ thuật, Trung tâm nghiên cứu thực nghiệm rau, hoa quả Gia Lâm, Viện Nghiên cứu rau, quả, Chủ nhiệm Dự án “Chế biến và bảo quản quả trám đen Thanh Chương” thì cái khó lớn nhất khi xây dựng trám đen thành sản phẩm hàng hóa đặc trưng gắn với Chương trình OCOP là vấn đề nguyên liệu đầu vào thiếu ổn định, bền vững.

100919 chuong trinh ocop 4

Trám đen Thanh Chương. Ảnh: Huy Thư

Với thế mạnh về khai thác hải sản, các sản phẩm như: tôm nõn Diễn Châu, cá thu nướng Cửa Lò, nước mắm Hải Giang 1, nước mắm Vạn Phần... hiện đã được cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể, được bảo hộ nhãn hiệu và được đầu tư dây chuyền công nghệ vào sản xuất như: đóng gói hút chân không gắn liền với đảm bảo VSATTP đối với cá thu, tôm nõn; đóng chai đối với sản phẩm nước mắm, dán tem nhãn, thay đổi hình thức bao bì... Tuy nhiên, để các sản phẩm này được gắn “sao” như mục tiêu OCOP thì còn xa xôi. 

Bên cạnh các mặt hàng nông sản thì các sản phẩm thủ công mỹ nghệ cũng là một thế mạnh của Nghệ An. Trong đó, nghề mây, tre đan là một điển hình.

Tuy nhiên, khi chọn sản phẩm mây, tre đan tham gia Chương trình OCOP bên cạnh lợi thế lớn nhất đây là nghề truyền thống, tận dụng được lực lượng lao động tại chỗ thì hạn chế lớn nhất lại là vấn đề tay nghề, việc nắm bắt kỹ thuật, công nghệ, mẫu mã sản phẩm mới của lao động nông thôn nhằm đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường xuất khẩu khá nan giải.

100919 chuong trinh ocop 5

Sản xuất sản phẩm mây tre đan. Ảnh: Tư liệu

Bà Trần Thị Lài - Trưởng Làng nghề mây, tre đan xóm 1, xã Quỳnh Diễn, huyện Quỳnh Lưu chia sẻ: Năm 2005, Làng nghề mây, tre đan xóm 1 được UBND tỉnh công nhận làng nghề cấp tỉnh. Tuy nhiên, nghề này lại đang có xu hướng mai một.

"GẮN SAO" CHO SẢN PHẨM

Thời gian qua, thông qua các chương trình, đề án, việc phát triển sản phẩm hàng hóa từ các nông sản, sản phẩm truyền thống và đặc sản đã được người dân và chính quyền quan tâm.

Nhiều huyện đã đầu tư kinh phí để phát triển sản phẩm như: Huyện Anh Sơn hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu chứng nhận chè gay, thị xã Thái Hòa hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu tập thể tinh bột nghệ; chế biến mật mía Nam Cường; huyện Tân Kỳ hỗ trợ xây dựng và phát triển nhãn hiệu và sản phẩm dê; thị xã Hoàng Mai hỗ trợ phát triển sản phẩm tinh bột nghệ, cá thu; huyện Con Cuông xây dựng nhãn hiệu chứng nhận rượu men lá, nhãn hiệu tập thể cam, làng nghề mây, tre đan... 

100919 chuong trinh ocop 6

Đặc sản rượu men lá Con Cuông. Ảnh: Lê Quang Dũng

Theo đó, đã xây dựng nhãn hiệu cho 47 sản phẩm, trong đó có 22 nhãn hiệu tập thể; 9 nhãn hiệu chứng nhận, 1 chỉ dẫn địa lý và trên 10 nhãn hiệu hàng hóa của sản phẩm truyền thống và đặc sản địa phương. Đặc biệt, nhiều sản phẩm có nhãn hiệu, có phân tích công bố chất lượng, có truy xuất nguồn gốc đảm bảo lưu thông có sức cạnh tranh cao trên thị trường, như: gà Phủ Diễn, gà Thanh Chương, trà hoa vàng Quế Phong, trám đen Thanh Chương, rượu men lá Con Cuông...
Tuy nhiên, đến nay Nghệ An chưa có sản phẩm nông, hải sản xuất khẩu được biết tới. “Kỹ năng quảng bá, giới thiệu sản phẩm, nguồn nguyên liệu thiếu ổn định, vấn đề an toàn VSTP, việc tiếp cận nguồn vốn để cải tiến dây chuyền sản xuất còn khó khăn... chính là “rào cản” trong việc tăng sức cạnh tranh cho các sản phẩm thế mạnh của địa phương như cá thu nướng, nước mắm trên thị trường. 

Khách hàng không tin vào các sản phẩm đặc sản, đặc biệt là các vấn đề về VSATTP. Vấn đề cạnh tranh từ hàng hóa của các tỉnh, thành khác và hàng nhập ngoại (Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản....) bán với số lượng lớn, mẫu mã, hình thức đẹp, giá rẻ.

Trong khi đó, khách hàng chưa nhận biết, phân biệt được sản phẩm thật, giả, sản phẩm nhập ngoại. Nguy cơ nữa là bản sắc văn hóa đang dần bị mai một hoặc biến dạng ngay trên chính các đặc sản. Bởi vậy, các sản phẩm đặc sản địa phương vẫn “giẫm chân” trong thế khó. 

100919 chuong trinh ocop 7

Chế biến tôm nõn ở Diễn Châu. Ảnh tư liệu

Trong bối cảnh đó, Chương trình OCOP ra đời sẽ là "chìa khóa" để nhà nông, doanh nghiệp, HTX, chính quyền cùng bắt tay nhau nghiên cứu tìm giải pháp tốt nhất cho việc đầu tư cái gì, vì sao đầu tư, đầu tư khâu nào, bước đi ra sao... Hy vọng các sản phẩm có thế mạnh sẽ mạnh hơn, các sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu sẽ xuất khẩu được và các sản phẩm thực sự được “gắn sao” khi đến với người tiêu dùng trong nước và quốc tế.

Nguồn: baonghean.vn

Tin mới

Các tin khác