Ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ liên kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị

In bài này

Ngày 06/7/2019, Sở Khoa hoc và Công nghệ tỉnh Cao Bằng và Công ty cổ phần Công nghê Bình Minh đã tổ chức Hôi thảo hoàn thiện phần mềm và định hướng triển khai ứng dụng thuộc dự án: “Ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ liên kết sản xuất nông nghiêp theo chuỗi giá trị tỉnh Cao Bằng”.

Dự án được triển khai từ năm 2017 do công ty Cổ phần công nghệ Bình Minh chủ trì trong bối cảnh cả nước cũng như tỉnh Cao Bằng đang đẩy mạnh thưc hiện nhiệm vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Trong đó, phát triển tổ chức sản xuất gắn với chuỗi giá trị sản phẩm là yêu cầu và nội dung trọng tâm nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững, hiệu quả. Hội thảo đã thu hút được sự quan tâm và tham gia của 150 đại biểu đến từ các Sở, ngành, huyện, xã, đại diện nông dân trong tỉnh Cao Bằng, các nhà khoa học Trung ương, các doanh nghiệp.

Theo đánh giá của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Cao Bằng, phát triển các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị hiện nay còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Các tác nhân kinh tế như nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp khó tiếp cận thông tin về thị trường đầu vào, nhu cầu của thị trường. Bên cạnh đó, các thông tin về vùng sản xuất, nguồn gốc sản phẩm, khoa học, kỹ thuật, tiếp cận nguồn lực, chính sách hỗ trợ… đang là nhưng nhu cầu rất cần thiết đối với cả các tác nhân trong chuỗi giá trị và các cơ quan chuyên môn, cơ quan khoa học, cơ quan quản lý Nhà nước.

Phát biểu tại hội thảo, Ông Nguyễn Trung Thảo - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng đã khẳng định tầm quan trọng của sản xuất nông nghiệp đối với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Ông nhấn mạnh kết quả triển khai dự án sẽ là giải pháp quan trọng nhằm khắc phục những điểm ghẽn trong phát triển mô hình liên kết theo chuỗi giá trị, tạo ra bước đột phá chiến lược trong phát triển nông nghiệp ở địa phương.

71019 ung dung cntt 1

Đồng chí Nguyễn Trung Thảo – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng

Ông Nguyễn Hồng Hải – Tổng Giám đốc công ty Cổ phần Công nghệ Bình Minh đại diện cơ quan chủ trì đã trình bày tổng quan về dự án. Mục tiêu của dự án nhằm xây dựng hệ thống phần mềm hỗ trợ liên kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị trên địa bàn tỉnh Cao Bằng; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu các sản phẩm nông nghiệp, vùng sản xuất, thông tin thị trường; trao đổi thông tin giữa các tổ chức, tạo điều kiện xây dựng mối liên kết trong sản xuất nông nghiệp.

Theo doanh nghiệp, đây là hệ thống phần mềm mới, chưa có trên thị trường Việt Nam, phục vụ cho đa dạng đối tượng sử dụng. Phần mềm được xây dựng để đáp ứng nhu cầu của người sử dụng trên nền tảng web và hệ điều hành IOS cho hệ Iphone và Android, dùng máy tính và điện thoại thông minh để truy cập từ địa chỉ www.agrolink.vn. Hệ thống menu chính được thiết kế trong phần mềm gồm các mục:

Đất tìm doanh nghiệp;

Bài viết khoa học;

Dữ liệu doanh nghiệp;

Nông sản chờ doanh nghiệp bao tiêu;

Dự liệu danh mục các nhà khoa học;

Dữ liệu nhà nông;

Dữ liệu danh sách cá nhân nhà khoa học;

Hệ thống thông tin về các cơ quan quản lý nhà nước;

Hệ thống thông tin về điều kiện vùng sản xuất.

71019 ung dung cntt 2.jpg

Trong phần thảo luận, các đại biểu đã có nhiều góp ý cho dự án như: đề xuất thiết kế đơn giản để phù hợp với khả năng sử dụng của nông dân và nhiều đối tượng; tăng khả năng tìm kiếm trình duyệt và quảng bá trên các công cụ google, zalo, facebook…; khả năng truy xuất nguồn gốc sản phẩm; thông tin cần cập nhật thường xuyên; đề xuất dùng thêm tên miền bằng tiếng Việt để dễ sử dụng; đề xuất giải pháp kinh phí và giải pháp tự vận hành hoạt động của phần mềm.

Đại diện Viện Nghiên cứu Rau quả, PGS.TS. Đặng Văn Đông đã đánh giá rất cao tính thực tiễn và ý nghĩa xã hội khi phần mềm được đưa vào thực tiễn.

71019 ung dung cntt 3.jpg

PGS.TS. Đặng Văn Đông - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả

Phần mềm không chỉ giúp các địa phương, các tác nhân kinh tế trên địa bàn tỉnh Cao Bằng ứng dụng vào tổ chức sản xuất, hỗ trợ liên kết theo chuỗi giá trị mà còn có khả năng ứng dụng vào nhiều lĩnh vực khác trong phát triển nông nghiệp, nông thôn như quản lý, kết nối các nhà khoa học, tư vấn khoa học, đánh giá nông thôn. Phần mềm sẽ góp phần giảm đáng kể các chi phí cho xã hội như chi phí nghiên cứu ban đầu, tìm kiếm thông tin về địa phương của nhiều doanh nghiệp, nhà khoa học. Hơn nữa, phần mềm có thể được nhân rộng ra phạm vi toàn quốc phục vụ tốt cho công tác quản lý, hoạt động chuyên môn, hỗ trợ liên sản xuất có hiệu quả. PGS.TS. Đặng Văn Đông mong muốn tỉnh Cao Bằng tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp vận hành phần mềm trong thời gian ít nhất 3 năm tới và đề xuất doanh nghiệp chủ trì tổ chức làm việc thêm với Viện nghiên cứu Rau quả để tiếp tục góp ý chi tiết, xây dựng cơ chế hợp tác, đưa phần mềm vào vận hành thực tế.

Bùi Quang Nguyên

Nguồn: Viện Nghiên cứu Rau quả 

 

Tin mới

Các tin khác