Xây dựng thành công mô hình giới thiệu hai giống ớt cay lai HP10 và HP13 tại Phù Ninh Phú Thọ.

In bài này

061422 mo hinh ot 2

Dự án : “Phát triển các giống rau ở Châu Á ” do Tổng cục phát triển Nông thôn Hàn Quốc – Tổ chức Sáng kiến hợp tác Nông nghiệp và Lương Thực Châu Á(RDA- AFACI) phối hợp với Viện Nghiên cứu Rau Quả thực hiện từ 11/2019 – 10/2022. Mục tiêu của dự án là nghiên cứu, đánh giá các tổ hợp ớt cay lai mới ở các vùng sinh thái khác nhau, và phát triển các giống mới triển vọng ra sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện cuộc sống của người nông dân.

Nhóm thực hiện dự án đã đánh giá lựa chọn một số dòng ớt nhập từ Trung tâm Rau Thế giới (Worldveg) và các dòng ớt của địa phương của Việt Nam có khả năng chống chịu với bệnh virus và đốm xám lá (Stemphylium solani) làm nguồn vật liệu để tạo các tổ hợp lai mới, trong đó có nhiều tổ hợp lai có triển vọng như HP10, HP13. Từ tháng 11 năm 2021, Viện nghiên cứu Rau quả đã triển khai mô hình của hai giống ớt cay lai HP10 và HP13, quy mô 0,2ha tại Xã An Đạo – Phù Ninh – Phú Thọ. Các tổ hợp ớt cay lai thể hiện khả năng sinh trưởng khỏe, chống chịu một số sâu bệnh hại chính trên đồng ruộng, quả dạng chỉ địa, quả sai, kích thước khá to, hình dạng quả thuôn dài, từ 12 – 14cm, đường kính quả từ 1,5 – 2cm, cùi dày, màu xanh, khi chín có màu đỏ đẹp, hàm lượng chất khô cao từ 22 – 25%, thích hợp cho ăn xanh tươi (ăn xanh, ăn chín) và chế biến (muối sổi, thái lát cấp đông, sấy khô làm ớt bột).

Ngày 27 tháng 4 năm 2022, Viện nghiên cứu Rau quả phối hợp với Công ty TNHH Hoàng Bảo- Phú Thọ tổ chức hội nghị đầu bờ giới thiệu mô hình hai giống ớt cay lai HP10 và HP13. Thành phần hội nghị là Cán bộ kỹ thuật thực hiện mô hình của Viện Nghiên Cứu Rau quả, Lãnh đạo công ty TNHH Hoàng Bảo Phú Thọ, Sở KH&CN Phú Thọ và Nông dân xã An Đạo – Phù Ninh – Phú Thọ. Tại hội nghị đầu bờ, khách mời tham gia hội nghị đã được tham quan thực tế hai giống ớt cay lai triển vọng HP10 và HP13, nghe báo cáo kết quả xây dựng mô hình và tìm hiểu đặc điểm sinh trưởng, khả năng chống chịu bệnh cũng như năng suất và chất lượng và khả năng thị trường cũng như khả năng thích ứng với điều kiện môi trường (thổ nhưỡng, khí hậu, canh tác..) của các giống ớt cay lai HP10, HP13 mới tại địa điểm triển khai thực địa.

Đại diện công ty TNHH Hoàng Bảo Phú Thọ Ông Nguyễn Mạnh Hùng – Giám đốc công ty cho biết các giống ớt cay lai HP10 và HP13 được Viện Nghiên cứu Rau quả triển khai xây dựng mô hình thành công là cơ hội để công ty có sản phẩm mới đưa vào mở rộng sản xuất, đáp ứng nhu cầu thị trường hiện. Hiện nay, công ty đang có nhiều đối tác trong nước và quốc tế đề nghị hợp tác cung cấp sản phẩm ớt cay để xuất khẩu. Thông qua mô hình thực địa của Viện Nghiên cứu Rau quả, đội ngũ kỹ thuật, công nhân của công ty đã có cơ hội học hỏi và được đào tạo thêm về kỹ thuật canh tác và chăm sóc ớt cay. Công ty mong muốn tiếp tục phối hợp cùng Viện nghiên cứu Rau quả trong việc cung ứng giống cũng như chuyển giao kỹ thuật thâm canh cây trồng.

Đại Diện Sở KH&CN Phú Thọ Ông Đỗ Trung Dũng Phó phòng Quản lý KH&CN cho biết khu vực Xã an Đạo – Phù Ninh - Phú Thọ là vùng đất phù xa ven sông có thành phần cơ giới nhẹ, màu mỡ thích hợp với nhiều cây trồng. Huyện cũng đã có quy hoạch xã An Đạo – Phù Ninh- Phú Thọ là vùng sản xuất sản xuất rau an toàn của Huyện nhằm giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho bà con nông dân ở đây. Từ trước đến nay người dân chỉ trồng một năm hai vụ ngô nên thu nhập thấp. Qua thực tế tham quan mô hình trồng hai giống ớt cay lai HP10 và HP13 của Viện Nghiên cứu Rau quả tại Công ty TNHH Hoàng Bảo Phú Thọ trên địa bàn Xã An Đạo cho thấy tiềm năng và mở ra cho Huyện cũng như người dân một cây trồng mới có giá trị kinh tế cao.

061422 mo hinh ot 3

Bài và ảnh: Nguyễn Minh Châu

Nguồn: Viện Nghiên cứu Rau quả 

Tin mới

Các tin khác