Phát triển chuỗi rau, khắc phục cảnh 'sáng tươi, chiều héo'

In bài này

Tổ chức phân nhóm, hoạt động kiểm soát chéo nhau đã giúp nông dân Hà Nội bước đầu thay đổi tập quán canh tác và sử dụng thuốc BVTV. Tuy nhiên để phát triển chuỗi rau được bền vững, quan trọng nhất là cần những chính sách đi kèm để khắc phục cảnh “sáng tươi, chiều héo” trong tiêu thụ sản phẩm.

Hà Nội có tổng diện tích rau 12.000 ha, phân bố ở 22 quận, huyện, thị xã trong đó diện tích được chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm trong SX lớn nhất toàn quốc với trên 5.000 ha. Sản lượng rau đạt gần 600.000 tấn/năm, đáp ứng khoảng 60% nhu cầu (nhu cầu rau xanh khoảng 1.000.000 tấn/năm) nhưng vấn đề an toàn thực phẩm vẫn là nỗi lo hàng ngày của người tiêu dùng Thủ đô.

 181127 phat trien chuoi rau

Một điểm sản xuất rau an toàn

Để kiểm soát chất lượng, giúp truy xuất nguồn gốc sản phẩm, tạo lòng tin cho người tiêu dùng, một trong những giải pháp quan trọng là kiểm soát theo chuỗi khép kín từ SX đến tiêu thụ. Hệ thống đảm bảo cùng tham gia PGS chứng thực cho người SX dựa trên sự tham gia tích cực của các bên liên quan: Người tiêu dùng, công ty phân phối, cơ quan quản lý nhà nước và các đối tượng quan tâm khác. Quá trình SX và thu hoạch rau thường xuyên được giám sát, điều tra đảm bảo phát hiện, khắc phục những sai phạm nhỏ và loại bỏ ngay lập tức các nhóm SX, các sản phẩm mắc sai phạm nghiêm trọng.

Thực hiện nhiệm vụ của Sở NN-PTNT giao, Chi cục BVTV Hà Nội đã phối hợp với các cơ sở xây dựng 25 mô hình kiểm tra cộng đồng áp dụng PGS trong SX và tiêu rau an toàn tại 25 xã, phường, thị trấn với tổng diện tích 1.395,7ha, xã có diện tích lớn nhất 250ha (Văn Đức), xã có diện tích thấp nhất 5ha (Chu Minh).

Mỗi điểm mô hình PGS tiến hành phân các nhóm, các tổ sản xuất. Mỗi nhóm bầu ra 1 nhóm trưởng, từ các nhóm trưởng bầu ra 1 trưởng liên nhóm phụ trách chung.

Chi cục BVTV tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện quy trình SX, kết hợp lấy mẫu đánh giá chất lượng sản phẩm nhằm kiểm chứng việc thực hiện quy trình SX, phát hiện kịp thời những tồn tại, những vi phạm để tìm giải pháp khắc phục và để các sản phẩm của mô hình PGS đảm bảo chất lượng, ATTP. Đến nay, đã lấy 260 mẫu rau tại 25 mô hình PGS, đã có kết quả 180/260 mẫu, tất cả các mẫu đều đảm bảo ATTP, không vượt mức giới hạn tối đa dư lượng thuốc BVTV.

Nhờ đó mà hình thành được 25 chuỗi lòng tin tiêu thụ rau an toàn cho người tiêu dùng truy xuất được nguồn gốc sản phẩm đến hộ. Số doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm tăng lên từ 112 doanh nghiệp lên 208 doanh nghiệp, số lượng tiêu thụ qua hợp đồng từ trung bình 15 tấn/ngày tăng lên trung bình 42 tấn/ngày (như HTX Văn Đức 5 doanh nghiệp tăng lên 10 doanh nghiệp, sản lượng từ 2 tấn tăng lên 10 tấn/ngày, đặc biệt còn xuất khẩu sang thị trường Đài Loan, Hàn Quốc...). Giá cả bán ra ổn định và cao hơn so với ngoài thị trường 1.000 - 2.000 đồng/kg, tránh được hiện tượng “được mùa rớt giá”. Giá trị SX RAT tại các vùng cao hơn thị trường 10 - 20% giúp thu nhập của người SX tăng lên.

Chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Hà Nội vừa qua đã thí điểm cấp 10 giấy xác nhận cho 10 cơ sở của 15 chuỗi rau, thịt với 21 điểm kinh doanh thực phẩm. Bước đầu đã hình thành các điểm bán nông sản an toàn được kiểm soát theo chuỗi, được giám sát thường xuyên và nhận được phản hồi tốt từ người tiêu dùng, nhằm xây dựng, kết nối sản phẩm và chuỗi sản phẩm an toàn với người tiêu dùng. Qua nhiều lần lấy mẫu giám sát đều cho kết quả 100% đảm bảo ATTP.

Nguồn: nongnghiep.vn

Tin mới

Các tin khác