Ảnh hưởng của giá thể và axit Humic đến năng suất, chất lượng cải ngọt và dưa chuột sản xuất theo hướng hữu cơ

In bài này

 

Trồng rau trên giá thể và sử dụng Humic axit là một trong những biện pháp canh tác hữu cơ đã được áp dụng với nhiều đối tượng cây trồng. Nhằm góp phần xây dựng quy trình sản xuất rau an toàn theo hướng cánh tác hữu cơ,Viện Nghiên cứu Rau quả đã tiến hành nghiên cứu ảnh hưởng của giá thể và axit Humic đến năng suất, chất lượng rau cải ngọt và dưa chuột.


Dưa chuột và cải ngọt là loại rau phổ biến xuất hiện quanh năm trên thị trường nước ta, với lượng tiêu thụ lớn, do vậy việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đặc biệt là kiểm soát hàm lượng nitrat và dư lượng thuốc BVTV đối với hai loại rau này có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với sức khoẻ người tiêu dùng và bảo vệ môi trường. Nhằm góp phần xây dựng quy trình sản xuất rau an toàn theo hướng cánh tác hữu cơ, từ năm 2005 đến năm 2007, Viện Nghiên cứu Rau quả đã tiến hành nghiên cứu ảnh hưởng của giá thể và axit Humic đến năng suất, chất lượng rau cải ngọt và dưa chuột. Đối tượng nghiên cứu là giống dưa chuột Man-you 738 (Thái Lan) và giống cải ngọt Tosakan.

Kết quả nghiên cứu về giá thể
* Kết quả nghiên cứu trên cây cải ngọt

Ở cả hai thời vụ cải ngọt trồng trên giá thể SAPRO-01 và GT-05 cho năng suất cao nhất, đạt 108 - 171 g/chậu. Về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, các công thức sử dụng giá thể SAPRO-01 và GT-05 có hàm lượng NO3 cao hơn các công thức khác ở cả hai thời vụ thu - đông và xuân - hè (vụ xuân-hè là 482 và 426 mg/kg so với 268 – 420 mg/kg và vụ thu- đông là 842 và 849 mg/kg so với 212 – 575 mg/kg), tuy nhiên vẫn thấp hơn nhiều so với mức cho phép của rau an toàn ( ngương cho phép của rau an toàn là 1500 mg/kg). Các kim loại năng như chì (Pb), cacdimi (Cd) đều thấp so với các công thức khác, đặc biệt không có vi sinh vật hại Ecoli và Salmonella.  

* Kết quả nghiên cứu trên cây dưa chuột

    Tương tự như cải ngọt, ở cả 2 vụ xuân - hè và thu - đông,  loại giá thể SAPRO-01 và GT-05 cho năng suất cao nhất đạt 0,98 - 1,06 kg/chậu. Về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm cho thấy cả 2 vụ trồng, sản phẩm dưa chuột đều đảm bảo độ an toàn cho phép ở tất cả các chỉ tiêu kim loại nặng (Pb, Cd), vi sinh vật (E.coli, Sal) và NO3 (95 – 137 mg/kg so với mức cho phép là 1500mg/kg).
Như vậy, giá thể thích hợp nhất cho trồng cải ngọt và dưa chuột hữu cơ là SAPRO-01 và GT-05. Các loại giá thể này không những cho năng suất cao mà chất lượng rau đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm.

Kết quả nghiên cứu bổ sung axit Humic

 Axit Humic là sản phẩm tự nhiên có chứa trong đất, than bùn có tác dụng làm tăng hàm lượng mùn trong đất, cải tạo lý tính của đất ngoài ra axit Humic còn có hoạt tính sinh học  như một chất kích thích sinh trưởng. Axit Humic làm tăng hoạt tính của một số men ôxy hóa khử như Catalaza, Peroxidaza… làm tăng cường độ quang hợp và hô hấp của cây trồng. Bổ sung axít humic theo các hình thúc tưới, phun qua lá cho rau cải ngọt, dưa chuột đa cho kết quả khá khả quan.

* Kết quả nghiên cứu trên cây cải ngọt

- Tưới axit Humic đã làm tăng sự phát triển của cải ngọt, nồng độ tưới Humic càng cao thì chiều cao và trọng lượng cải ngọt càng tăng. Tuy nhiên phải tưới ở nồng độ từ 0,45 - 0,6 % năng suất mới tăng ở mức có ý nghĩa (tưới  ở nồng độ 0,45 - 0,6% năng suất  đạt 23,5 và 22,8 tấn/ha).
 - Hiệu quả của biện pháp phun Humic đến sinh trưởng, năng suất cải ngọt kém hơn so với biện pháp tưới.
- Chất lượng dinh dưỡng của cải ngọt có sự chênh lệch không lớn giữa các công thức sử dụng axit Humic và không sử dụng axit Humic: đường tổng số dao động từ 1,33 - 1,68%; Vitamin C dao động trong khoảng  28,7 - 34,25 mg/100g; hàm lượng chất khô cũng chỉ biến động từ 6,37 - 7,02%.
- Về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm không phát hiện thấy độc tố Pb, Cd;  hàm lượng NO3  thấp chỉ dao động từ 525 - 680 mg/kg rau tươi.

* Kết quả nghiên cứu trên cây dưa chuột

Tương tự như cải ngọt, tưới axit Humic có ảnh hưởng rõ rệt tới khả năng sinh trưởng và năng suất dưa chuột, nồng độ càng cao, chiều cao cây và năng suất quả càng tăng. Năng suất quả dưa chuột đạt cao nhất 26,0 tấn/ha ở nồng độ 0,6%.
Với biện pháp phun Humic, năng suất cao hơn năng suất dưa chuột cao hơn không nhiều so với không phun axit Humic. Với nồng độ 0,6 g/l, năng suất của dưa chuột đạt 25,5 tấn/ha. Không có sự thay đổi về thành phần các chất dinh dưỡng của quả dưa chuột khi sử dụng axit Humic. Hàm lượng đường tổng số dao động từ 2,34 - 2,65 %; Vitamin C dao động từ 4,36 - 5,36 mg/100g; chất khô nằm trong khoảng 4,18 - 4,54 %.
Axit Humic cũng ít ảnh hưởng đến tồn dư NO3 trong dưa chuột, chỉ dao động từ 105 - 130 mg/kg.
Như vậy đối với cải ngọt nên tưới Humic 1 lần (7 ngày sau gieo) với nồng độ 0,45 -  0,6% hoặc phun 2 lần (7 và 14 ngày sau gieo) dung dịch 0,6 g/l; đối với dưa chuột  nên tưới Humic 2 lần (7 và 14 ngày sau trồng) với nồng độ 0,6% hoặc phun 3 lần (7, 14 và 21 ngày sau trồng) dung dịch 0,6 g/l.
Theo V.T. Hiển, N.T. Nhậm, P.T. Hương và B.T. Khuyên - Bộ môn Kiểm nghiệm chất lượng Rau quả

 

Tin mới

Các tin khác