Quy trình sản xuất giống hoa loa kèn bằng phương pháp gieo hạt

THÔNG TIN CHUNG

1. Nhóm tác giả: Bùi Thị Hồng, Đặng văn Đông, Trịnh Khắc Quang (Viện Nghiên cứu Rau quả).
2. Cơ quan tác giả: Viện Nghiên cứu Rau quả.
3. Nguồn gốc xuất xứ: 
Từ kết quả dự án “Phát triển một số giống hoa chất lượng cao giai đoạn 2006-2010”.
4. Phạm vi áp dụng: Trên cả nước.
5. Đối tượng áp dụng: Các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất giống hoa loa kèn Tứ quý.
QUY TRÌNH KỸ THUẬT 
1. Giống hoa loa kèn Tứ Quý
Hoa loa kèn Tứ Quý là giống hoa mới có nguồn gốc từ Hà lan, đã được Hội đồng Khoa học Bộ Nông nghiệp & PTNT công nhận giống cho sản xuất thử. Đây là giống hoa loa kèn trắng, chịu nhiệt, thích hợp với điều kiện trồng ở Việt Nam, đặc biệt là vùng đồng bằng sông Hồng. 
2. Thu hạt và xử lý 
Quả loa kèn thu hoạch không nên non quá hoặc già quá sẽ bị ảnh hưởng đến khả năng nảy mần của hạt, thu quả ở độ tuổi 90 ngày, hạt sẽ có khả năng nảy mầm tốt nhất. Trên một cây chỉ nên lấy hạt ở quả thứ nhất và thứ hai, còn lại ngắt bỏ.
Sau khi thu đưa quả phơi trong điều kiện khô ráo, mát mẻ tránh ánh sáng trực tiếp, phơi trong hiên nhà là tốt nhất. Quả khô tách hạt ra và tiếp tục phơi từ 2-3 ngày, cho vào túi nilon để bảo quản. Hạt có thể bảo quản và nảy mầm được trong thời gian 6 tháng, tuy nhiên gieo hạt ở thời điểm sau thu 2-3 tháng sẽ cho nảy mầm cao nhất. 
Trong trường hợp cần gieo ngay sau khi thu thì đưa hạt vào xử lý nhiệt độ thấp từ 2-40C trong thời gian 20 ngày. 
3. Thời vụ gieo: 
Hạt loa kèn gieo ở thời vụ tháng 8, 9 là có khả năng mọc mầm cao nhất, chất lượng cây con tốt và phù hợp với thời vụ trồng (tháng 11, 12). 
4. Vườn ươm: 
Vườn gieo hạt loa kèn làm trên nền đất cao, thoát nước tốt, có mái che mưa và lưới che giảm ánh sáng có thể điều chỉnh kéo ra kéo vào được. Lên luống có chiều rộng 1,2 m, cao 20 cm, rãnh luống rộng 40 - 50 cm. 
5. Giá thể dùng để gieo hạt và cách gieo
Giá thể gieo: Chọn loại giá thể gồm các loại hỗn hợp với tỷ lệ phối trộn như sau: đất phù sa sạch, phân chuồng phơi khô đập nhỏ, xơ dừa trộn đều với nhau theo tỷ lệ 2:1:1, nếu không có xơ dừa có thể thay thế bằng trấu hun. Giá thể sau khi đã được phối trộn phủ đều trên mặt luống dày 7-8 cm, 
Mật độ: gieo 1 kg hạt (20 vạn hạt)/1000m2.
Cách gieo: Vãi đều hạt lên trên mặt giá thể (với mật độ 200 hạt/1m2 ), sau khi gieo xong phủ một lớp đất mịn lên trên để giữ hạt khỏi bị xáo trộn khi tưới nước và để giữ ẩm trên bề mặt. 
6. Kỹ thuật chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh
Sau khi gieo xong dùng vòi ô doa tưới nước cho đến khi đạt độ ẩm bão hòa, sau đó 1 ngày tưới 1 lần để luôn duy trì độ ẩm cho giá thể ở 80-85% trong thời gian 2 tuần đầu (thời gian hạt nảy mầm), sau đó giảm xuống 70% (1-2 ngày tưới 1 lần) khi cây con đã có lá thật.
Che sáng cho cây: thời kỳ mới gieo che giảm 50% ánh sáng trực tiếp, khi cây từ 1 tháng trở đi điều chỉnh chỉ cần che vào lúc buổi trưa (9-10h đến 14-15h) đảm bảo ánh sáng từ 10.000-12.000 lux, sau đó giảm dần thời gian che đến trước khi nhổ cây trồng 2 tuần không cần che, để cây thích nghi dần với điều kiện trồng ngoài sản xuất. 
Sau gieo 5-15 ngày xuất hiện lá mầm, 10-20 ngày sau đó lá thật xuất hiện, 10-15 ngày sau xuất hiện lá thật thứ 2. 
Cây con khi đã có lá thật thứ 2 sử dụng Atonik 1.8 DD hoặc phân đầu trâu 902 (N:P:K = 17:21:21), định kỳ 10 ngày phun 1 lần với liều lượng 10 ml/bình 10 lít. Trước khi nhổ cây trồng 2 tuần ngừng hoàn toàn việc bón phân cho cây.
Thường xuyên theo dõi và phòng trừ sâu bệnh cho cây. 
* Một số loại sâu bệnh hại thường gặp và cách phòng trừ
- Rệp: chủ yếu là rệp xanh đen, rệp hại làm cho cây còi cọc, ngọn quăn queo, phòng trừ: Sử dụng Karate 2,5 EC liều lượng 10 - 15 ml/bình 10lít, Ofatox 400EC hoặc Supracide 40ND liều lượng 10 – 15 ml/bình 10 lít.
- Sâu hại bộ cánh vẩy (sâu khoang, sâu xanh, sâu xám) Sâu tuổi nhỏ ăn phần thịt lá và ăn khuyết lá non, ngọn non, mầm non. Phòng trừ: bắt thủ công bằng tay, sử dụng Supracide 40 ND liều lượng 10 –15 ml/bình 8 lít, Pegasus 500 SC liều lượng 7 – 10 ml/bình 8 lít, Ofatox 40 EC liều lượng 8 – 10 ml/bình 8 lít, Actara, Regon 25WP liều lượng 1g/bình 8 lít.
- Bệnh phấn trắng: bệnh gây hại trên lá là chủ yếu. Phòng trừ: Sử dụng Anvil 5 SC liều lượng 10 – 15 ml/bình 10 lít hoặc Score 250 ND liều lượng 5 – 10 ml/bình 10 lít,  Boocdo (Đồng sunphat), Score 250EC liều lượng 25-30 g/bình 10 lít.
- Héo vi khuẩn: làm thối rễ, lá cây héo từ gốc đến ngọn. Phòng trừ: Dùng biện pháp luân canh, nhổ bỏ cây bệnh, vệ sinh vườn trồng, phòng trừ môi giới truyền bệnh.
- Ngoài ra có thể sử dụng một số loại thuốc BVTV khác theo hướng dẫn của ngành Bảo vệ Thực Vật.
7. Tiêu chuẩn cây xuất vườn
Sau khoảng 3 tháng, cây giống đạt tiêu chuẩn: cao 17-18 cm có từ 5-6 lá thật. Rễ dài 4-5 cm đều xung quanh, có màu trắng. Củ bắt đầu được hình thành, màu trắng có đường kính từ 1-2 cm, thì có thể bứng cây ra trồng ngoài sản xuất.
8. Bứng cây và bao gói
Trước khi bứng cây 1 ngày  tưới đẫm nước, khi bứng chú ý không để rễ cây bị đứt vì sẽ ảnh hưởng đến tỷ lệ sống của cây sau trồng. Nên bứng cây trồng vào những ngày râm mát hay vào buổi chiều, tránh ngày có cường độ ánh sáng quá cao làm cây dễ bị mất nước, chậm phục hồi sau khi trồng.
Để vận chuyển đi xa xếp gọn gàng và vừa khít vào thùng cacton để tránh bị xê dịch. Đục lỗ xung quanh thùng để đảm bảo được thông thoáng.

Tin khoa học công nghệ

Trang thông tin điện tử của Viện nghiên cứu Rau quả
Địa chỉ : Thị trấn Trâu Quỳ - Gia Lâm - Hà Nội
Điện thoại : 84-024.38276254 - Fax : 84-024.38276148
Email : info@favri.org.vn Website : http://favri.org.vn

Top